Dũng cảm đối diện với sai lầm

Trong cuộc sống hằng ngày ai cũng không tránh khỏi sai lầm, quan trọng là chúng ta dũng cảm đối diện với nó ra sao và tìm cách xử lý, giải quyết như thế nào. Khi bạn có đủ dũng cảm để sửa chữa những sai lầm của chính mình thì bạn mới có khả năng thành công.

Chúng ta không sợ mắc sai lầm, biết sai và chịu sửa sai, đó mới là điều đáng quý. Lỗi lầm mà chúng ta gây ra có thể do vô tình hoặc cố ý phạm phải và để lại hậu quả theo mức độ khác nhau, ít hay nhiều cũng làm ảnh hưởng đến người khác. Vô ý không lường trước được việc làm của mình rồi gây ra lỗi còn có thể tha thứ, nếu biết được hậu quả hành động của mình nhưng vẫn cố tình làm, điều đó đáng bị phê phán. Điều đáng buồn hơn chính là đã làm sai nhưng lại không chịu thừa nhận, thậm chí còn đổ lỗi cho người khác. Người phạm lỗi nếu biết khắc phục và sửa đổi sẽ được mọi người nhìn nhận và đánh giá cao. Nhìn nhận được lỗi lầm để sửa đổi, có như vậy chúng ta mới rút ra được những bài học để hoàn thiện bản thân.

Nhận ra sai lầm, điều đó chứng tỏ bạn là một người có trách nhiệm với việc mình làm và đó là điều cần thiết để bạn sửa đổi, kiên quyết không mắc sai lầm lần nữa. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải học cách tha thứ cho bản thân và cố gắng tìm ra những điểm tốt của mình. Đừng để mặc cảm phạm lỗi ám ảnh bạn không thôi, không để sự việc đè nặng, day dứt mãi trong tâm trí một cách không đáng. Suy nghĩ sự việc theo nhiều hướng, không nên cố chấp vào một việc mà bạn biết rằng không thể thay đổi được kết quả. Mặc cảm sẽ giảm đi rất nhiều nếu bạn dám tự tin nhìn vào mặt tốt lẫn xấu của bản thân. Một người nếu mang trong mình cái tôi quá lớn dễ dàng chối bỏ việc nhận khuyết điểm về mình. Đối với những người hèn nhát không dám chấp nhận cái sai, thì việc đổ lỗi cho người khác dễ hơn tự mình thừa nhận sai lầm. Quá kiêu ngạo, giữ chặt lấy cái tôi sẽ khiến bạn không thể phát triển. Cái tôi quá lớn sẽ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công việc. Những người biết dung hòa cái tôi cá nhân và dũng cảm thừa nhận sai lầm dễ dàng vượt qua được mọi trở ngại, nhận được sự tôn trọng của mọi người.

Để hạn chế sai sót bạn cần phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để có thể nắm bắt các vấn đề, khéo léo xoay chuyển mọi tình huống. Kỹ năng càng hoàn thiện, bản thân càng khó phạm sai lầm. Người thông minh là người biết nhận lỗi khi sai lầm, họ biết sai sót trong công việc là điều tất yếu. Cho dù bạn có năng lực, hết sức chỉn chu, cẩn thận trong công việc thì bạn vẫn có thể mắc sai lầm. Bản lĩnh hay không là bạn cúi đầu chấp nhận hay dũng cảm bước qua. Vượt qua được, bạn sẽ mới có thể vươn đến thành công.