Văn bản nêu rõ: Trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đã được chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo; công tác quản lý nhà nước về ATTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả ngày một tốt hơn; công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về ATTP được các cấp chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm triển khai với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng; các phong trào vận động chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn tại cơ sở được phát động rộng khắp gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới. Từ những kết quả đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng. Thể hiện rõ nét qua việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nâng cao trách nhiệm, coi việc bảo đảm ATTP vừa là bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, vừa là thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp. Người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm thực phẩm an toàn, đồng thời có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và trong hành động, quan tâm nhiều hơn nữa đến việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân, vì vậy tình hình ngộ độc thực phẩm thời gian qua giảm đáng kể.
Tuy nhiên, công tác quản lý ATTP vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu chủ động trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác ATTP; đội ngũ làm công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra, phối hợp giữa một số cơ quan quản lý nhà nước về ATTP tại các địa phương còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP ở một số nơi chưa thường xuyên, liên tục; công tác xử lý vi phạm về ATTP ở các huyện, thành phố và xã, phường chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác ATTP còn hạn chế. Chính vì vậy công tác quản lý ATTP trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Công văn số 2083-CV/TU ngày 08/02/2022 của Tỉnh ủy về triển khai công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới; để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về ATTP; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.
Ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP theo đúng quy định.
2. Sở Y tế:
Chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý ATTP một cách hiệu quả nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn, đặc biệt việc phân cấp quản lý thuộc lĩnh vực ngành y tế cho phù hợp với tình hình, năng lực quản lý của ngành và địa phương; áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo đảm ATTP.
Tăng cường hoạt động truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm hiểu đúng và thực hành đúng về ATTP. Kết hợp tuyên truyền các quy định trong phòng chống dịch Covid-19 cho các cơ sở thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm.
Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ động tham mưu triển khai đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chủ trương, văn bản của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các chuyên mục, phóng sự bảo đảm ATTP. Đẩy mạnh việc quảng bá các thương hiệu mạnh trong ngành về ATTP. Tuyên truyền lồng ghép các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Rà soát, đánh giá các liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất. Đề xuất (nếu có) các chính sách đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển các mô hình chuỗi giá trị thực phẩm theo hướng sản xuất quy mô gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Nghiên cứu phổ biến các chính sách và quy định cụ thể của ngành để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn gắn với chuyển đổi số ở địa phương. Thúc đẩy các hoạt động sản xuất, phát triển chuỗi giá trị thực phẩm an toàn, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo đảm ATTP; huy động sự tham gia ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể nhân dân trong việc tham gia bảo đảm ATTP. Khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP. Hướng dẫn, vận động các doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm về ứng dụng tiến bộ khoa học trong quản lý phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Sở Công Thương:
Chủ động rà soát, tham mưu kịp thời các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn công tác bảo đảm ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công thương trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường các hoạt động truyền thông bảo đảm ATTP, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP đến các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục, phóng sự về ATTP; tuyên truyền lồng ghép các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong các đợt thanh tra, kiểm tra, các lớp tập huấn của ngành.
Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tăng cường kiểm soát thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu; kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm. Cảnh báo kịp thời cho người dân khi kết quả mẫu giám sát không đạt, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở không bảo đảm ATTP.
5. Công an tỉnh:
Chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động kiểm soát, phát hiện, phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP. Tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin liên quan đến các vụ việc vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; phối hợp với các Sở, ngành chức năng liên quan thanh tra, kiểm tra về ATTP định kỳ hoặc đột xuất theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Tuyên truyền, đưa tin hình ảnh trên truyền hình ANTT và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh những trường hợp vi phạm về ATTP nhằm cảnh báo cho người dân biết và đề cao cảnh giác, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Kết hợp tổ chức tuyên truyền lồng ghép các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.
6. Cục Quản lý thị trường:
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP như: kinh doanh thực phẩm giả, nhập lậu, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, quy định ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại.
Trong quá trình triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp tuyên truyền cho các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về ATTP cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên trong trường học nhằm nâng cao kiến thức về ATTP kết hợp trong các cuộc họp hoặc sinh hoạt ngoại khóa. Tuyên truyền cho giáo viên, học sinh, sinh viên, các bếp ăn tập thể, căn tin trường học thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm các quy định và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phối hợp các ngành chức năng liên quan tổ chức giám sát bảo đảm ATTP trong hệ thống bếp ăn trường học, các hoạt động quảng cáo, cấp phát sữa miễn phí,… nhằm hạn chế vụ ngộ ngộ thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trong trường học.
8. Sở Thông tin và Truyền thông:
Tăng cường công tác rà soát, giám sát các thông tin về ATTP trên hệ thống mạng nhằm hạn chế kịp thời các trường hợp vi phạm về quảng cáo sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự lệnh hoặc quảng cáo sai về ATTP trên các trang mạng điện tử.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh tại cơ sở để thông tin, tuyên truyền và đăng tải đầy đủ các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong sản xuất, kinh doanh liên quan đến ATTP. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP, phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng, truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số của mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Viber... Tổ chức tuyên truyền lồng ghép các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cùng công tác bảo đảm ATTP.
9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền về công tác bảo đảm ATTP tại các đơn vị, địa phương và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thuộc phạm vi quản lý. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh. Kết hợp tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 cùng công tác bảo đảm ATTP tại cơ sở.
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham gia kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP vào các sự kiện do tỉnh tổ chức nhằm hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
10. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kinh phí triển khai công tác bảo đảm ATTP trong khả năng cân đối ngân sách địa phương và kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí hoạt động bảo đảm ATTP theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
11. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu cân đối, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án thuộc chương trình ATTP.
12. Sở Nội vụ: Hàng năm trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao; chủ trì phối hợp với các Sở, ngành rà soát, cân đối, tham mưu UBND tỉnh phân bổ biên chế cho các cơ quan quản lý về ATTP bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Phối hợp tổ chức phát động thi đua công tác bảo đảm ATTP để kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ATTP.
13. Báo Ninh Thuận, Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh:
Phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình, chuyên mục, phóng sự về ATTP theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục và phù hợp với văn hóa, tập quán của từng vùng miền trong tỉnh để phục vụ công tác truyên truyền về ATTP.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các kênh phát thanh, truyền hình, hướng dẫn lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm bảo đảm ATTP, đưa tin, bài phản ánh những cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP và những cơ sở không đạt các điều kiện ATTP.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội:
Chủ động tuyên truyền sâu rộng các biện pháp bảo đảm ATTP. Phối hợp với các Sở, ngành phổ biến, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật tiên tiến bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm.
15. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là việc lồng ghép các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trong công tác xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền về ATTP trên hệ thống loa phát thanh của địa phương đặc biệt trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng Hành động vì ATTP, Tết Trung thu với nội dung đa dạng, dễ hiểu, có sức thuyết phục và phù hợp đặc điểm tình hình, văn hóa và tập quán của từng địa phương. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong công tác bảo đảm ATTP.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cở sở thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý, chú trọng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố trên địa bàn, đặc biệt chú trọng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đóng trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm nguồn kinh phí cho các hoạt động về ATTP trên địa bàn.
Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Công văn này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
HL