Chị Hoa, tiểu thương bán rau ở chợ Phan Rang cho biết, tâm lý của người tiêu dùng đi chợ sau Tết là không sợ khan hiếm hàng hóa mà chỉ lo tăng giá. Tuy nhiên, từ Mùng 5 Tết đến nay, nguồn cung các loại rau rất ổn định, sức mua giảm, nên nhiều loại giảm giá so với trước Tết. Chẳng hạn: bông cải trắng, củ cải 9.000 đồng/kg; bầu, bí, cà chua, bắp cải 15.000 đồng/kg. Riêng một số mặt hàng rau Đà Lạt có tăng nhẹ từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại do phí vận chuyển tăng như súp lơ xanh Đà Lạt 60.000 đồng/kg, ớt chuông Đà Lạt 100.000 đồng/kg. Tại chợ Phước Mỹ (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm), thời điểm này, hầu hết các quầy, sạp đều đã mở cửa buôn bán, hàng hóa tương đối dồi dào. Chị Thu, tiểu thương bán hải sản cho biết, sau Tết nguồn cung thủy sản dồi dào, giá cả ổn định; riêng các loại mực, bạch tuộc, tôm tươi có tăng giá so với trước Tết do nhu cầu tăng hơn so với các loại thực phẩm khác, hiện các loại tôm, mực tươi có giá hơn 200.000 đồng/kg.
Hoạt động mua bán tại chợ Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) nhộn nhịp trở lại.
Chị Tư, tiểu thương bán thịt heo cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán được hơn 50 kg thịt heo các loại, bằng một nửa so với thời điểm giữa tháng Chạp. Hiện tại, giá thịt heo có giảm 5.000-15.000 đồng/kg tuy nhiên vẫn còn ở mức cao, dao động từ 80.000-140.000 đồng/kg.
Đi chợ để mua trái cây, rau củ, thực phẩm chuẩn bị cho rằm tháng Giêng, chị Lê Thị Cúc, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết, trước đây, mỗi dịp Tết chị đều chuẩn bị rất nhiều thực phẩm vì sợ thiếu đồ ăn, sợ tăng giá. Tuy nhiên, năm nay chị chỉ mua đủ lượng thực phẩm dùng trong vài ngày vì sau Tết các chợ, siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở bán lại sớm nên không phải trữ. Theo chị, giá cả thực phẩm những ngày đầu xuân mới ở các chợ ở mức chấp nhận được, không tăng, một số mặt hàng có xu hướng giảm, ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra hàng hóa, giá cả nên người dân cũng yên tâm đi chợ.
Theo Sở Công Thương, nhờ nguồn cung dồi dào và ổn định, sức mua không tăng nhiều như các năm nên thị trường thực phẩm trước, trong và sau Tết không có biến động bất thường. Kết quả này có được một phần là thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi tích cực, không còn tâm lý mua hàng tích trữ. Các doanh nghiệp, tiểu thương nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng nên cân đối số lượng hàng hóa nhập vào, bán ra trong và sau tết Nguyên đán. Bên cạnh đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc bình ổn thị trường thông qua hỗ trợ nguồn vốn cho các đơn vị trữ hàng, mở các điểm bán bình ổn phục vụ người dân và các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nguồn cung hàng hóa, kiên quyết xử lý tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến.
Sau Tết, các chợ, điểm bán hàng và cả các đơn vị sản xuất, cung ứng, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá, thực hiện chương trình khuyến mãi, điều chỉnh giảm giá bán đến hết tháng 2. Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để có những điều chỉnh kịp thời.
Minh Thương