Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn lực tổ chức các hoạt động phát triển thị trường trong nước với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào nhiệm vụ thường niên của các đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên toàn tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 30-6-2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Người dân tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao tại siêu thị Coopmart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ

Đến năm 2025 Đề án đạt được một số mục tiêu cụ thể như: Thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối hiện đại với tỷ lệ trên 90% và các kênh phân phối truyền thống tỷ lệ trên 80%; doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 95% tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này; xây dựng được ít nhất một kênh truyền thông (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động; hằng năm, hỗ trợ ít nhất 3 đợt hỗ trợ kết nối cung cầu cho các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam; xây dựng và nhân rộng được mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” và phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm bán; xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam.

Kế hoạch đã đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện là thông tin, tuyên truyền; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng...