Trong hành trình lan tỏa yêu thương ấy, có nhiều câu chuyện xúc động lòng người, tiêu biểu như ông Trần Thanh Sơn, ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) có mặt ở hầu khắp các “điểm nóng” chống dịch. Trang Facebook của ông đã thành nơi tuyên truyền, động viên mọi người, đồng thời vận động gia đình, bạn bè hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cùng nhiều tấn lương thực, hàng hóa hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch và bà con vùng khó khăn. Đó là hình ảnh một bà mẹ ở thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu (Ninh Phước) chở theo 2 đứa con sinh đôi, mang một bó rau cải đến góp vào “Bếp ăn 0 đồng”. Là câu chuyện về bà Trần Thị Chuyện, ở xã Cà Ná (Thuận Nam), quyên góp hàng tấn cá, hàng ngàn lít nước mắm để hỗ trợ bà con ở huyện Ninh Phước.
Hội Phụ nữ thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) chuẩn bị bữa ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19.
Khác với làn sóng dịch lần thứ nhất xảy ra đầu năm 2020 ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam (Thuận Nam), lần này, công tác phòng, chống dịch và chăm lo đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh gần như phải dựa vào nội lực. Mỗi người dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tất cả cùng nương tựa, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Từ khắp các địa phương, các nhóm từ thiện vì người nghèo cùng tham gia chống dịch. Có thể kể tới “Quán cơm Nụ cười” của hệ thống Trường Liên cấp Hoa Sen với hành trình hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch; các nhóm: Hương Từ Bi, Bình An, Đậu Hũ Tương Chao, Việt Từ Tâm, PUN... suốt mùa dịch không kể ngày hay đêm, những chuyến xe chở lương thực, thực phẩm, rau xanh đến các khu cách ly; nhóm “Nhà giáo và những người bạn” tổ chức các “Bếp ăn 0 đồng”, hỗ trợ trên 6.000 suất ăn, hơn 30 triệu đồng tiền mặt, hàng tấn thực phẩm cùng vài chục tấn rau xanh cho lực lượng chống dịch và khu cách ly. Chống dịch đâu chỉ là lực lượng tuyến đầu, có rất nhiều người dân tự nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” không một lời ca thán, không ngần ngại đi vào vùng dịch bệnh.
Trong đại dịch, bà con san sẻ cho nhau từng bó rau, quả trứng, biết nương tựa vào nhau, yêu thương, đùm bọc nhau để vượt qua. Những ngôi làng bị cách ly nhưng không hề cô đơn. Bên cạnh những hy sinh của lực lượng tuyến đầu, một hậu phương lớn được hình thành bằng chính tình người thiêng liêng và cao quý.
Đâu chỉ dành tình thương cho người dân trong tỉnh, trong dịch COVID-19, người dân Ninh Thuận còn hướng đến đồng bào ở mọi miền Tổ quốc bằng lòng yêu thương và sự sẻ chia. Còn nhớ, những ngày đầu tháng 6-2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh lan nhanh và khó kiểm soát, đời sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng, nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh kêu gọi, tiếp nhận hàng hóa, kinh phí để hỗ trợ. Người có rau, góp rau, người có cá, góp cá, một chai nước mắm, một trái bầu hay một bó rau cũng quý. Từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh, nhiều tấm lòng cùng hướng về TP. Hồ Chí Minh. Ai cũng biết đến vợ chồng anh Cường, chủ Trạm dừng chân Cường 2 tại xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã tổ chức hàng chục chuyến xe chở lương thực hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh. Những chuyến xe đong đầy tình người xứ nắng cùng hướng vào các tỉnh phía Nam.
Những ngày đầu tháng 10, dòng người nối đuôi nhau ngược về các tỉnh phía Bắc thực hiện chuyến hồi hương lịch sử. Trên dọc tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh, cứ cách vài cây số là xuất hiện “Gian hàng 0 đồng” tiếp tế đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm, kinh phí để hỗ trợ. Dẫu sáng, tối, mưa dầm hay nắng gắt, họ kiên nhẫn đứng bên vệ đường, chờ đoàn người đến để giúp đỡ. Những câu chuyện về vợ chồng trẻ ở thôn Long Bình, xã An Hải (Ninh Phước) tiếp tế những người làm việc ở các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Cuộc “hồi hương lịch sử” đã qua đi, bà con trong Nam, ngoài Bắc đều biết đến người dân Ninh Thuận nghĩa tình.
Không thể kể hết những con người đã có những hành động cao đẹp vì cộng đồng. Có thể nói, trong dịch COVID-19 tình người xích lại gần nhau hơn. Tinh thần đoàn kết, sự yêu thương, gắn bó và sẻ chia mà người dân dành cho nhau là đáng trân trọng. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, nhưng tình người trong đại dịch sẽ còn đọng mãi trong trái tim mỗi người dân và tiếp tục lan tỏa như hương sắc mùa xuân.
Ngọc Diệp