Ảnh: Thái Huy
Ngày xưa, đi biển không như bây giờ, ngư dân Thiều Văn Giỏi ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná mở đầu câu chuyện bằng một phép so sánh để nói về chuyện đi biển xưa và nay. Ông diễn giải thêm: Đi biển hồi ấy tất cả mọi thứ đều phải dựa vào trực giác và kinh nghiệm. Để tìm luồng cá, ngư dân dựa vào con nước, màu nước và cả chim trời. Để tìm hướng đi, xác định tọa độ, ngư dân phóng tầm mắt đi hàng chục km tìm lấy một ngọn núi làm cọc tiêu. Để đoán giờ, ban đêm, ngư dân dựa vào trăng, sao; ban ngày dựa vào mặt trời. Cái khó, ló cái khôn, chỉ với một con thuyền và ngư lưới cụ đơn sơ, chúng tôi đã xây nên những ngôi nhà mái ngói khang trang nhờ vào sản vật của biển. Niềm vui với biển là muôn thuở. 67 tuổi, có 55 năm gắn bó với biển, ông Giỏi thú nhận: Biển có sức hút mãnh liệt, dăm bữa, nửa tháng nằm bờ là bức bối, khó chịu ngay. Ngoài làm kinh tế, bao năm lênh đênh trên biển, với ông đơn giản là được sống với một “tình yêu”, sống với những điều tưởng chừng như rất giản dị như được nghe tiếng gió, tiếng sóng vỗ mạn thuyền; được ngắm sao trời giữa màn đêm bao la, tĩnh mặc. Hay chỉ là chăm chăm nhìn theo chú chim trời nghiêng mình đớp cá trên mặt biển... những thú vui mà người ở trên cạn mấy khi có được.
Say sưa những câu chuyện về biển, ký ức của những ngư dân trẻ như anh Đoàn Thanh Phương, 38 tuổi, ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná lại nhớ đến vô số lần hò reo, ăn mừng khi trúng mẻ cá lớn. Anh nói, cuộc sống trên biển khá vất vả, chủ yếu làm việc vào ban đêm nhưng chỉ cần thấy cá, tôm là bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. May mắn, ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, ngư dân có thêm máy định vị, vô tuyến đàm thoại, máy quét tầm ngư, máy dò quét, dò ngang, máy thu lưới, vá lưới... nên đỡ vất vả hơn, hiệu quả khai thác nâng lên. Nhờ vậy, đời sống của ngư dân làng biển ngày càng đi lên. Nhưng vui nhất là sự an toàn của ngư dân được đảm bảo, anh Phương chia sẻ.
Ngày Tết. ngư dân Cà Nà tập trung tại Lăng Lạch kể chuyện về biển.
Không chỉ có vậy, những năm qua, hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân được Nhà nước quan tâm và định hướng. Nhiều chính sách mới ra đời, làng chài Cà Ná nay có thêm những con tàu mang tên “Tàu 67”. Ngư dân được hỗ trợ vay vốn để mua sắm thiết bị hiện đại, đầu tư ngư lưới cụ. Nhiều tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển, nghiệp đoàn nghề cá được thành lập để cùng chia sẻ thông tin ngư trường và giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển. Ngư dân Cà Ná hôm nay ra khơi vào lộng không chỉ đơn thuần là khai thác hải sản mà họ còn trở thành lực lượng quan trọng bảo vệ biển, đảo của quê hương.
Nghề biển vất vả, ngư dân Cà Ná vẫn thường nói với nhau như thế. Nhưng rồi, như là cái nghiệp, ở làng biển này, có những thanh niên mới lớn đã biết dong thuyền theo cha ra khơi vào lộng. Tình yêu với biển cứ thế thấm vào máu, khó dứt ra được. Những thế hệ như anh Phương, như con của ông Giỏi và cả nhiều thế hệ sau này vẫn chọn gắn bó với biển.
Xuân đến, làng chài Cà Ná thường tập trung về lăng Lạch, nơi thờ cúng thần Nam Hải để kể cho nhau nghe những câu chuyện về biển và chuẩn bị các vật phẩm để dâng lên “thần” trong dịp Lễ hội Nghinh Ông, vào ngày mùng 3 tháng Giêng. Hai năm nay, do dịch COVID-19, địa phương tạm dừng các hoạt động phần hội chỉ tổ chức phần lễ. Đây là dịp để họ cầu mong một năm bình an, cầu cho những chuyến ra khơi thuyền về đầy ắp cá tôm. Nghi lễ hoàn thành, thời tiết thuận lợi, hàng trăm tàu thuyền tại làng biển lại tiếp tục rẽ sóng vươn khơi xa trong mùa xuân mới.
Hà Anh