Chủ động, linh hoạt
Ngay khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị sẵn sàng huy động tối đa nhân lực, vật lực, kịp thời triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Y tế tiếp nhận hỗ trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam. Ảnh: Uyên Thu
Bằng chiến lược tiếp cận chủ động, linh hoạt, ngay từ khi xuất hiện các ca F0 đầu tiên trong đợt dịch lần thứ tư (ngày 3-7-2021), tỉnh đã triển khai đồng loạt các biện pháp từ cấp độ nhỏ, đến các Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Cùng với việc khẩn trương phong tỏa, giãn cách các “vùng đỏ”, công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm được triển khai “thần tốc”, “quét nhiều vòng” trên diện rộng, bảo đảm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Trong điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực còn nhiều hạn chế, nhưng tỉnh đã bố trí 45 khu cách ly tập trung cấp tỉnh, huyện; kịp thời kích hoạt, tiếp nhận, hoàn thành cách ly hơn gần 23.600 công dân, trong đó đa phần là con em Ninh Thuận sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc tổ chức cách ly an toàn, đúng quy định để kiểm soát, khống chế dịch bệnh hiệu quả. Tỉnh đã triển khai an toàn, hiệu quả tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi, từ 12-17 tuổi đạt 100%; tỉnh cũng đang triển khai tiêm mũi bổ sung và nhắc lại (mũi 3), lập kế hoạch tiêm vắc xin cho lứa tuổi từ 5-12 tuổi, đảm bảo đúng và vượt kế hoạch của Chính phủ đề ra cho các địa phương.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường THCS và THPT Đặng Chí Thanh. Ảnh: Ngọc Diệp
Cùng với việc làm tốt công tác cách ly và xét nghiệm, tiêm vắc xin, trong tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19, tỉnh đã chủ động, sáng tạo chuyển đổi công năng các bệnh viện, xây dựng bệnh viện dã chiến, trưng dụng một số cơ sở trên địa bàn để thiết lập hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 phân cấp 3 tầng. Với số bệnh nhân tăng nhanh, trong đó nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã kịp thời đầu tư các loại máy móc hiện đại để đáp ứng yêu cầu điều trị. Cao điểm của dịch bệnh, có thời điểm số bệnh nhân trong viện trên 1.000 người, nhập viện hơn 100 người/ngày nhưng tất cả đều chủ động, bình tĩnh, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân nói riêng, nhân dân toàn tỉnh nói chung. Việc đầu tư máy móc, trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị COVID-19 được quan tâm bổ sung, tăng cường; năng lực điều trị được cải thiện, đến nay công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 được nâng lên, giảm mạnh tỷ lệ tử vong và các ca chuyển nặng. Trong đợt dịch lần thứ tư, đã có 4.250 ca được điều trị khỏi. Trong giai đoạn này, tỉnh đã thực hiện thí điểm cách ly điều trị thành công hàng nghìn ca F0 và các ca nghi F0 tại nhà. Kết quả bước đầu khả quan, được người dân đồng tình ủng hộ, giảm áp lực các khu cách ly y tế tập trung và giảm áp lực chi ngân sách.
Chung sức, đồng lòng
Sự chủ động, sáng tạo, những quyết sách đúng đắn, phương pháp khoa học, tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao là những yếu tố quan trọng, cốt lõi để Ninh Thuận đạt được thành tựu tích cực trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Nhưng có một yếu tố không thể không kể đến, đó là tinh thần đoàn kết, tấm lòng sẻ chia, nhân ái, chung sức, đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ và toàn thể nhân dân tỉnh nhà. Trong gian khó, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, truyền thống quê hương, con người Ninh Thuận càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp, dù trong bối cảnh rất khó khăn do hoạt động bị đình trệ nhưng đã đồng hành cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 bằng những hành động thiết thực nhất, như: Đóng góp kinh phí, trang thiết bị phòng, chống dịch, “ATM gạo”, “Chợ 0 đồng”; đồng ý cho tỉnh sử dụng các khách sạn, nhà nghỉ, sử dụng xe ô tô để cách ly, vận chuyển người dân liên quan đến dịch COVID-19... Thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ vào nguồn Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh với số tiền và hiện vật trên 80 tỷ đồng, để cùng chia sẻ gánh nặng kinh phí trong công tác phòng, chống dịch.
“Bếp ăn 0 đồng” của nhóm “Nhà giáo và những người bạn” chuẩn bị suất ăn cho các công dân đang cách ly y tế tập trung. Ảnh: P. Bình
Trên tuyến đầu, các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang, công an, dân quân, cán bộ, đảng viên, ... không quản ngại nguy hiểm, gian khó, đối mặt với dịch bệnh. Đặc biệt đội ngũ y, bác sĩ, trong đó có nhiều y, bác sĩ đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia chống dịch, đã nỗ lực gấp nhiều lần, xếp lại những lo toan riêng tư của gia đình để toàn tâm, toàn ý chăm lo cho bệnh nhân. Cùng với đó, nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế không ngần ngại, sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương phía Nam “chiến đấu” với dịch bệnh. Hay những hình ảnh các chị, các mẹ, đoàn viên, hội viên các tổ chức, đoàn thể đã góp công, góp của, mỗi ngày nấu hàng nghìn suất cơm để hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong các khu cách ly tập trung, các chốt kiểm soát dịch COVID-19. Rất nhiều người trong số họ đã nhiều tháng không về nhà, không gặp gỡ người thân, quyết tâm chung sức, đồng lòng bám trụ nơi tuyến đầu để chiến thắng, giữ gìn những thành quả phòng, chống dịch bệnh của tỉnh. Trong bối cảnh rất khó khăn, tỉnh cũng đã trích kinh phí hỗ trợ các tỉnh phía Nam; tổ chức đón đồng bào đang lưu trú tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do dịch bệnh về quê. Nghĩa cử đó được Nhân dân đồng tình, dư luận đánh giá cao.
Tình nguyện viên giúp các mẹ có con nhỏ di chuyển hành lý về khu cách ly tập trung. Ảnh: T.Xuân
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Tỉnh luôn trân trọng cảm ơn sự hy sinh, cống hiến, những đóng góp to lớn cả vật chất và tinh thần, những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, Nhân dân, các ban, ngành, địa phương, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng gửi lời tri ân tới đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, lực lượng vũ trang, công an, cán bộ cơ sở và các tập thể, cá nhân bởi sự cống hiến hết mình, hy sinh thầm lặng, tất cả vì mục tiêu cao nhất là sức khỏe, an toàn của Nhân dân và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, dự báo tình hình dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên từ những thành tựu quan trọng, bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực cống hiến, hy sinh của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, tin rằng Ninh Thuận quyết tâm giữ vững những thành quả phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng Nhân dân, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, đưa tỉnh và cả nước bước sang trang mới an bình, phát triển.
Bình An