Chị Đỗ Thị Hồng Tuyến, phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) phát hiện con bị bệnh tự kỷ từ lúc 2 tuổi. Sau khi tìm hiểu và được giới thiệu chị đăng ký cho cháu học tập ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh. Từ ngày được đến lớp, cháu có nhiều thay đổi, biết tự làm những công việc cá nhân, nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn. Chị Hồng Tuyến chia sẻ: Trong mùa dịch không đến trường trực tiếp thì cô giáo luôn theo dõi, hỗ trợ qua từng bài giảng cụ thể. Nhờ vậy, tôi biết cách tương tác đồng hành và thấu hiểu con hơn. Con tiến bộ mỗi ngày, tôi mừng lắm.
Tiết học trực tuyến của lớp học can thiệp sớm.
Tiết học trực tuyến của lớp học can thiệp sớm.Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh hiện đang tổ chức giảng dạy và hỗ trợ cho 69 trẻ có nhu cầu đặc biệt với nhiều dạng tật khác nhau như: Khuyết tật trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, khiếm thính và đa tật. Tất cả học sinh, trẻ em khuyết tật được học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt với 6 lớp gồm: Lớp khuyết tật trí tuệ; lớp tự kỷ; lớp khiếm thính; lớp can thiệp sớm cho trẻ 2-4 tuổi; lớp can thiệp sớm cho trẻ 4-5 tuổi và lớp phát triển kỹ năng cơ bản cho trẻ trên 7 tuổi. Do ảnh hưởng của đại dịch COIVD-19 nên hiện tại Trung tâm không tổ chức giảng dạy, hỗ trợ học sinh theo hình thức trực tuyến. Đối với học sinh các lớp giáo dục chuyên biệt (khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ) thì học trực tuyến do giáo viên trực tiếp giảng dạy. Đối với trẻ đang học ở các lớp can thiệp sớm và phát triển kỹ năng cơ bản thì Trung tâm tổ chức tập huấn, hỗ trợ phụ huynh dạy con tại nhà. Công tác hỗ trợ, tập huấn cho phụ huynh được tiến hành hằng tuần và theo lịch hỗ trợ được thống nhất giữa phụ huynh và giáo viên. Phụ huynh dạy con ở nhà, sau đó quay video và gửi cho giáo viên để được hướng dẫn và điều chỉnh trong quá trình hỗ trợ trẻ tại gia đình. Để giúp học sinh khuyết tật tiến bộ, phát triển, nhiều giáo viên đã có sáng kiến, xây dựng các phương pháp giảng dạy phù hợp, tìm cách hiểu tâm lý các em. Cô giáo Đoàn Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên lớp can thiệp sớm và phát triển kỹ năng cơ bản chia sẻ: Đối với trẻ khuyết tật vận động, khiếm thính, chậm phát triển, trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi, việc can thiệp sớm cùng với các chương trình giáo dục, y tế thích hợp cho nhu cầu cá nhân của từng trẻ sẽ là chìa khóa vàng, giúp con đường hòa nhập của trẻ rộng mở hơn. Tùy thuộc vào mức độ từng loại tật, trẻ được áp dụng những chương trình được cụ thể hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập sau này. Đối với những trẻ có cha mẹ đồng hành hỗ trợ tại nhà đều có sự tiến bộ rõ rệt. Việc chuyển đổi từ phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tại nhà, góp phần duy trì hoạt động chuyên môn, không làm gián đoạn sự tiến bộ của trẻ. Mặt khác phụ huynh nâng cao kiến thức và kĩ năng can thiệp sớm để đồng hành cùng con liên tục, môi trường quen thuộc giúp trẻ có cảm xúc tốt hơn.
Chia sẻ với chúng tôi về định hướng thời gian tới, thầy giáo Tôn Thất Nhật, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập tỉnh cho biết: Trung tâm hiện có 12 học sinh tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 thời gian tới sẽ tổ chức học trực tiếp tại trường theo kế hoạch dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo. Riêng với những em chưa được tiêm phòng vắc xin và tiêm chưa đủ thì tiếp tục học tập thông qua hình thức hỗ trợ can thiệp sớm tại nhà.
Bằng chính sự kiên trì của thầy cô giáo, tình yêu thương của gia đình, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh là “mái nhà chung” chắp cánh ước mơ giúp những đứa trẻ kém may mắn vượt qua mặc cảm, sớm hòa nhập với xã hội.
Mỹ Dung