Nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép”

Bài cuối: Cần nhiều nỗ lực trong chặng đường mới

Vượt qua những khó khăn trong chặng đường gian nan nhất vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa duy trì tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đây cũng là động lực cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cần tiếp tục nỗ lực để vượt qua, đạt được những kỳ vọng và sự phát triển bền vững trong tương lai.

Còn đó nhiều khó khăn

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được khắc phục.

Tại Kỳ họp HĐND thường kỳ cuối năm 2021, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND cho biết: Trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt và phát triển KT-XH có việc chậm, có lúc còn lúng túng; thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn khó khăn. Hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch giảm mạnh; ứng dụng công khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; tiến độ triển khai hạ tầng các khu công nghiệp Du Long, Phước Nam và một số công trình trọng điểm, dự án động lực còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số trường hợp còn vướng mắc, kéo dài; hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; việc làm, sinh kế, đời sống Nhân dân, nhất là tại các địa phương giãn cách xã hội gặp nhiều khó khăn...

 

Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, xã Phước Hòa (Bác Ái) với dung tích chứa 219 triệu m3 vừa hoàn thành,
đưa vào tích nước sẽ điều tiết nước chống hạn, phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới. Ảnh : Văn Nỷ

Trong năm 2022 dự báo bên cạnh một số yếu tố thuận lợi, vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, với sự xuất hiện của biến chủng mới sẽ tác động đến các lĩnh vực của đời sống KT-XH; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của một bộ phận Nhân dân tiếp tục gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022. Do đó các cấp, các ngành, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, tăng cường năng lực dự báo, phân tích sát đúng tình hình, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, nhằm đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Kỳ vọng những thành công, cơ hội mới

Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH, hiện nay tỉnh đang triển khai Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch; xây dựng và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với lộ trình từng bước, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế địa phương gắn với xây dựng và chuẩn bị kịch bản chủ động cho các tình huống dịch

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong năm 2022, tỉnh sẽ phấn đấu triển khai có hiệu quả chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu; hoàn thành và triển khai hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai, phấn đấu năm 2022 hoàn thành hòa lưới 471 MW và khởi công 699 MW; hoàn thành dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná (giai đoạn 1); khởi công Dự án tổ hợp điện khí Cà Ná giai đoạn 1 (1.500MW) và Khu công nghiệp Cà Ná. Tập trung xử lý đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng và nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp Du Long, Phước Nam và Cụm công nghiệp Quảng Sơn; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất các dự án năng lượng. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế đô thị, xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành thành phố thông minh.

Đập hạ lưu sông Dinh hoàn thành góp phần quan trọng trong việc ngăn mặn. Ảnh: Phan Bình

Bên cạnh đó, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, cấp bách, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi và tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc và miền núi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục thu hút nguồn lực, trước hết là tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương; tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, tăng cường công tác quản lý và huy động tốt nhất nguồn lực đất đai, nguồn lực các thành phần kinh tế để khai thác hiệu quả các nhóm ngành đột phá, trụ cột; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, các huyện, thành phố đều được đánh giá đã trở về mức độ dịch cấp độ 1, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; các cấp, các ngành, địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 cũng như đón thời cơ phát triển mới. Với những bước phát triển ổn định, hướng đi đúng, quyết tâm cao, kỳ vọng trong thời gian tới Ninh Thuận sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ về mọi mặt đời sống KT-XH, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và an toàn cho người dân.