Các địa phương, doanh nghiệp ra quân sản xuất đầu năm mới 2022

Sau những ngày nghỉ tết Dương lịch năm 2022, nông dân, ngư dân, diêm dân các địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh đã đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm, với quyết tâm đạt thắng lợi trong năm mới.

Tại huyện Ninh Phước, trong những ngày đầu năm mới, nông dân các xã: Phước Hậu, Phước Thuận… hớn hở ra đồng thu hoạch vụ lúa mùa. Anh Lưu Thành Luân, thôn Phước Đồng, chia sẻ: Gia đình vừa thu hoạch xong 2 sào lúa, mặc dù năng suất vụ mùa năm nay chỉ đạt gần 5 tạ/sào, với giá bán 4.800 đồng/kg lúa tươi, 5.700 đồng/kg lúa khô, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 3 triệu đồng. Hiện tại gia đình đang chuẩn bị làm đất để xuống giống vụ đông - xuân 2021-2022, theo đúng kế hoạch, khung lịch thời vụ. Còn anh Hán Văn Đích, thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận cho biết: Gia đình tôi có 1 ha đất trồng lúa, trước tết Dương lịch gia đình đã làm đất gieo xạ được 5 sào lúa. Sau ngày nghỉ tết Dương lịch cả nhà tranh thủ ra đồng, cày ải gieo trồng diện tích còn lại, nhằm đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, hạn chế sâu bệnh, hy vọng năm mới có một vụ mùa bội thu.

Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) thu hoạch lúa vụ mùa trong ngày đầu năm mới 2022. Ảnh: T.Mạnh

Được biết, vụ mùa năm 2021, toàn huyện Ninh Phước xuống giống 5.580 ha cây trồng các loại. Trong đó, cây lúa 3.058 ha, cây bắp 674 ha… Hiện nay, đã thu hoạch diện tích lúa vụ mùa được trên 1.000 ha, năng suất bình quân đạt gần 5 tạ/ha. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022, huyện Ninh Phước dự kiến xuống giống 9.594 ha cây trồng các loại. Để đạt được mục tiêu, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung vận động nông dân gấp rút thu hoạch cây trồng vụ mùa, làm đất, chuẩn bị nguồn giống…nhằm đảm bảo đúng tiến độ xuống giống. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai cụ thể cho các xã, thị trấn về khung lịch sản xuất, khung thời vụ, cũng như hướng dẫn nông dân sử sụng các loại giống lúa xác nhận, gieo trồng đồng loạt, theo dõi chăm sóc cây trồng và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ đông - xuân…nhằm đảm bảo có một vụ mùa bội thi, khởi đầu năm mới nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp.

* Cùng với nông dân các địa phương trong tỉnh, nông dân huyện Bác Ái tranh thủ thu hoạch dứt điểm các loại cây trồng vụ mùa và đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ đông - xuân, như: Lúa, bắp, mì, các giống cây họ đậu…

Chị Katơr Thị Phúc ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại (Bác Ái) xuống giống mì vụ đông - xuân. Ảnh: K.Hân

Tại cánh đồng trồng mì ở thôn Tà Lú 1, chúng tôi ghi nhận không khí lao động rất sôi nổi của nông dân địa phương. Chị Katơr Thị Phúc, thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại phấn khởi: Vụ mì vừa rồi nhờ thời tiết thuận lợi nên 1,2 ha của gia đình đạt năng suất cao và giá cũng cao nên thu lãi 37 triệu đồng, Tết này phấn khởi hơn mọi năm. Hiện nay gia đình đang làm đất và tranh thủ xuống giống mì vụ đông - xuân cho kịp thời vụ. Hy vọng thời tiết năm nay mưa thuận gió hòa để cây trồng phát triển tốt và cho năng suất cao giúp bà con phát triển kinh tế. Trên cánh đồng sản xuất lúa của thôn Tham Dú và Đồng Dày, xã Phước Trung, không khí ra quân sản xuất đầu năm mới của bà con cũng diễn ra rất nhộn nhịp. Ngay từ sáng sớm, nhiều bà con đã có mặt tại ruộng để bón phân, phun thuốc, đưa nước vào ruộng. Bà Chamaléa Thị Phiên ở thôn Đồng Dày cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi, mưa nhiều nên hồ Phước Nhơn tích đầy nước, xã khuyến cáo bà con xuống giống sớm vụ đông- xuân nên hiện nay hầu hết ruộng đã xuống giống xong, hiện lúa của gia đình được 20 ngày tuổi, nguồn nước đầy đủ nên cây lúa phát triển tốt. Theo kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân, căn cứ lượng nước tại các hồ, huyện Bác Ái dự kiến gieo trồng trên 1.900 ha cây trồng các loại... Hiện nay nông dân đang tập trung thu hoạch dứt điểm các loại cây trồng vụ mùa và tranh thủ làm đất, xuống giống vụ đông - xuân theo đúng lịch thời vụ nhằm hạn chế sâu bệnh, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trong vụ đông - xuân.

Tranh thủ thời tiết nắng đẹp của ngày đầu năm mới, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thuận Bắc có mặt tại ruộng để chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân, khởi đầu cho một vụ sản xuất đầu năm thắng lợi.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) ra đồng làm đất, xuống giống vụ đông - xuân. Ảnh : H.Lâm

Ông Phạm Quang Phước, ở thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong, chia sẻ: Năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì giá cả phân bón vật tư tăng cao, giá cả nông sản giảm mạnh. Để khởi đầu cho một năm mới suôn sẻ, ngay từ sáng sớm, tôi và các thành viên trong gia đình khẩn trương ra đồng theo nước, đắp bờ và chuẩn bị sẵn giống để gieo cho 3 sào lúa. Hy vọng thời tiết năm nay thuận lợi, giá cả ổn định, tạo tâm lý phấn khởi, giúp bà con yên tâm sản xuất. Ngoài cây lúa, tại những khu vực trồng cây màu, không khí lao động cũng không kém phần nhộn nhịp, chị Chama léa Thị Nô, ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, phấn khởi: Với hơn 1 sào đậu đen xuống giống được khoảng 1 tháng, gia đình đang tập trung chăm sóc để kịp thu hoạch trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, có thêm điều kiện đón Tết tươm tất hơn…

Vụ đông - xuân năm nay, huyện Thuận Bắc gieo trồng 3.655,3 ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa hơn 2.957 ha, cây màu 708 ha, tập trung ở 6/6 xã. Để sản xuất đạt kết quả cao, UBND huyện chỉ đạo các xã chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo nông dân ưu tiên lựa chọn giống ngắn ngày, có chất lượng tốt; đồng thời, tổ chức điều tiết nước tưới đảm bảo xuyên suốt mùa vụ, thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng, vận động nông dân chủ động ứng dụng khoa học-kỹ thuật để tăng cao năng suất cây trồng.

* Sau 3 ngày nghỉ tết Dương lịch 2022, nông dân trên địa bàn huyện Ninh Sơn ra đồng chăm sóc mùa vụ. Trên các cánh đồng bà con đang tất bật việc đồng áng, tập trung xuống giống, chăm sóc, thu hoạch cây trồng với không khí ngày đầu năm mới vui tươi, phấn khởi.

Nông dân Ninh Sơn thu hoạch táo. Ảnh: K.Thùy

Ông Trần Văn Bảo thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn cho biết: Sau những ngày nghỉ, gia đình tranh thủ ra đồng chăm sóc hoa màu cho kịp thời vụ. Thấy nông dân ra đồng cũng đông rồi, người thì thu hoạch, người thì lo chăm sóc cây trồng, tranh thủ cắt cỏ cho trâu, bò, dê... Chúng tôi cũng mong muốn sang năm mới thời tiết tốt, giá sản phẩm tăng cao. Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Tuyên, ngụ cùng xã chia sẻ: Gia đình tôi tranh thủ thu hoạch hơn 1,5 sào táo để kịp cho thương lái bán đầu năm. Với giá táo ổn định được mua tại vườn từ 10-12 ngàn đồng/kg, giúp cho tôi có một khoản tiền từ thu hoạch táo đầu năm. Còn tại xã Quảng Sơn, nơi được xem là “thủ phủ” của nghề trồng mía với diện tích hơn 1.600 ha, những ngày đầu năm mới, trên cánh đồng mía lại tấp nập người chặt mía, róc vỏ, khuân vác cho kịp những chuyến xe chở về nhà máy chế biến. Vừa kiểm tra lao động chất mía lên xe, ông Trần Thái Phong, thôn Thạch Hà 1, cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi, mưa đều, nên 3 ha mía của gia đình phát triển tốt, bình quân đạt khoảng 55-60 tấn/ha, với giá mía trên 1 triệu đồng/tấn cho 10 chữ đường, tôi có thể thu về khoảng 15 triệu đồng/ha, đầu năm ra đồng gia đình có một mùa vụ bội thu phấn khởi.

* Từ sáng ngày 2-1-2022, các ngư dân, diêm dân ở huyện Ninh Hải bắt đầu ra khơi và ra đồng sản xuất đầu năm với hy vọng một năm mới may mắn, thu hoạch được nhiều tôm cá và những vụ muối bội thu.

Ngư dân thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) thu hoạch cá ngày đầu năm 2022. Ảnh: H.Nguyệt

Ngư dân Lê Khánh Huy ở Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải, cho biết: Ngày đầu năm mới xuất phát hy vọng thời tiết thuận lợi, trời yên biển lặng để cho cả năm khai thác thắng lợi.

Cũng trong những ngày đầu năm mới, dưới thời tiết nắng ấm, thuận lợi, bà con diêm dân xã Tri Hải phấn khởi ra đồng thu hoạch mẻ muối đầu năm mới. Ông Bùi Hóa, ở thôn Khánh Tường, xã Tri Hải, người gắn bó lâu đời với nghề làm muối, cho biết: Gia đình tôi sản xuất khoảng 4 ha, cho thu hoạch trung bình hằng năm hơn 1.200 tấn muối. Những ngày đầu năm mới thường rất quan trọng, vì nó là khởi đầu cho một năm, nên tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con diêm dân ra đống làm muối để mong có vụ mùa bội thu.

Tính đến cuối năm 2021, toàn huyện Ninh Hải có 838 chiếc tàu thuyền, với công suất 139.135 CV đạt sản lượng khai thác hải sản 32.730 tấn, tăng 8,92% so với năm 2021; tổng sản lượng muối đạt 330.000 tấn, bằng 108,2% kế hoạch năm. Được sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nghề khai thác thủy sản của huyện phát triển tốt, ngư dân đã tập trung huy động các nguồn vốn để mua sắm ngư cụ, cải hoán tàu thuyền, đẩy mạnh việc đánh bắt hải sản xa bờ.

Khí thế lao động tích cực của các ngư dân, diêm dân ở Ninh Hải trong những ngày đầu năm mới cho thấy tín hiệu tốt của một năm bám biển, việc khởi hành đầu năm thuận lợi cũng sẽ hứa hẹn một năm mới gặt hái nhiều thành công.

* Những ngày đầu năm mới 2022, tại cảng cá Đông Hải không khí thật nhộn nhịp, người mua kẻ bán diễn ra tấp nập. Các chủ tàu phấn khởi về cảng với niềm vui thắng lợi trong chuyến biển đầu năm với nhiều loại hải sản đánh bắt được. Qua tìm hiểu một số ngư dân cho biết: Làm nghề biển phải bám biển nên lẽ ra tết Dương lịch nghỉ ngơi nhưng với ngư dân chuyện bám biển những ngày lễ, tết là bình thường. Ông Nguyễn Minh, một chủ tàu phường Đông Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Quan niệm của ngư dân trong chuyến đi biển đầu năm mới rất quan trọng; không chỉ đơn thuần là mưu sinh mà còn cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, ngư dân trúng đậm cá tôm. Ông Minh cho biết thêm, mặc dù mùa này sóng lớn những tàu đánh bắt xa bờ chưa khởi động, nhưng những tàu đánh bắt gần bờ vẫn hoạt động bình thường. Thường các tàu sẽ đi trong vòng 24 giờ rồi về. Vì đánh bắt gần bờ nên sản lượng không nhiều, nhưng được cái hải sản tươi ngon nên được người tiêu dùng ưu chuộng. Mỗi chuyến ra khơi mỗi tàu sẽ thu về từ 1 đến 1,5 tạ hải sản, có hôm được lộc cũng hơn 2-3 tạ hải sản các loại.

Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) tấp nập buôn bán những ngày nghỉ tết Dương lịch. Ảnh: T.Thịnh

Sau khi cập cảng bán và chia phần cho bạn thuyền cũng được từ 1-2 triệu đồng/chuyến, vẫn đảm bảo chi tiêu cho gia đình. Theo chị Trần Thị Thảo, thương lái cảng cá Đông Hải: Những ngày nghỉ tết Dương lịch, giá cả hàng thủy sản có cao hơn thường ngày một chút do nhu cầu tiêu thụ tăng nên việc ngư dân tăng cường bám biển là chuyện bình thường. Thêm vào đó, cảng cá Đông Hải được biết đến là nơi cung cấp hải sản tươi sống không qua bảo quản nên người tiêu dùng rất ưu chuộng. Ngoài việc, thu mua và đóng hàng gửi cho khách hàng đặt sẵn, chúng tôi còn thu mua và vận chuyển đến tiêu thụ ở các chợ vùng nông thôn nên dù có là ngày tết Dương lịch chúng tôi cũng đồng hành cùng ngư dân và cứ 3 giờ sáng hằng ngày là chúng tôi đã có mặt ở cảng và tất bật cả ngày...

Năm cũ khép lại, năm mới đã đến với nhiều niềm vui mới, tin rằng, trong năm 2022 ngư dân tỉnh nhà sẽ gặt hái được nhiều thành công trong khai thác hải sản với tâm thế “Mỗi ngư dân, mỗi chiếc thuyền đánh cá khi ra khơi sẽ mang về những chuyến cá nặng, lưới đầy”.

* Sau kỳ nghỉ tết Dương lịch năm 2022, đông đảo nông dân, ngư dân, người lao động tại các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Nam bắt tay vào công việc sản xuất đầu năm 2022 với khí thế sôi nổi.

Có mặt tại bến kè khu vực thôn Thương Diêm 2, xã Phước Diêm, vào sáng ngày 2-1, chúng tôi bắt gặp không khí nhộn nhịp sản xuất của ngư dân 2 xã Phước Diêm và Cà Ná. Từ ngoài xa, nhiều tàu nhỏ và thuyền thúng ngư dân lần lượt vào bờ. Trái với không khí trầm lắng ở cảng Cà Ná khi hàng loạt tàu lớn nằm bờ do thời tiết gió to, thì tại bến thuyền này, ngày đầu năm mới vô cùng tấp nập. Trên bến, dưới thuyền, người người cười nói vui vẻ, chia sẻ niềm vui thắng lợi trong ngày đi biển đầu năm. Ngư dân Nguyễn Thành Hoan ở thôn Lạc Nghiệp, xã Cà Ná phấn khởi: Sau một ngày nghỉ thoải mái, 3 giờ sáng ngày 2-1, anh chèo thúng ra xa tầm 3 hải lý, giăng lưới. Gần 6 giờ, anh bắt đầu thu lưới vào bờ. May mắn, mẻ lưới đầu năm được nhiều lộc, mang về cho anh khoản thu nhập hơn 500 ngàn đồng. Khởi đầu thuận lợi, anh Hoan hy vọng năm nay sẽ có thu nhập khá.

Ngư dân Thuận Nam vui mừng sau chuyến biển đầu năm mới 2022. Ảnh: N.Diệp

Cách bến thuyền của ngư dân không xa, tại công trình xây dựng Cảng biển Tổng hợp Cà Ná, hàng chục nhà thầu thi công đang hối hả làm việc. Do thời gian dịch bệnh kéo dài, nhiều gói thầu bị chậm tiến độ, nên dù là Chủ nhật nhưng sau ngày nghỉ lễ, các doanh nghiệp liền bắt tay ngay vào làm việc. Tại khu vực cầu cảng, máy cẩu, máy múc liên tục vận hành. Trên tuyến đường dẫn vào khu vực cảng, hàng chục chiếc xe ben của các đơn vị như: Hà Trường, Long Hà Tĩnh, Nhân Đại Việt… tấp nập nối đuôi nhau chở đất cát tiến về các khu vực san lấp. Anh Lưu Khánh Trình, giám sát thi công Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Nhân Đại Việt, đơn vị thực hiện gói thầu san lấp khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cảng cho biết: Ngày thứ Bảy, cán bộ và người lao động trong công ty được bố trí nghỉ ngơi, nhận thưởng nên sang Chủ nhật là bắt tay ngay vào hoạt động với tinh thần rất phấn khởi, hăng say. Theo kế hoạch đến ngày 4-1, đơn vị phải bàn giao mặt bằng khu vực đường đấu nối và nhà làm việc của Cảng. Khối lượng đất đá san lấp còn thiếu khoảng 6.000 khối. Để kịp tiến độ, công ty huy động 35 xe ben có tải trọng 12 khối/xe, làm việc, tăng ca liên tục. Theo tính toán, mỗi ngày, mỗi xe có thể chạy được 7-8 chuyến, như vậy đảm bảo được tiến độ đề ra. Hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên trong năm, chúng tôi hy vọng năm 2022 sẽ hanh thông.

Trong khi đó, tại các cánh đồng ở khắp các xã Phước Ninh, Nhị Hà, Phước Nam, nông dân tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông- xuân. Trong khi một số nông dân tập trung làm cỏ, theo nước chăm sóc cây trồng phục vụ bán Tết như hành đỏ, nho, táo thì nhiều nông dân khác đang tập trung cấy dặm vụ lúa đông – xuân đã 20 ngày tuổi. Ai ai cũng hy vọng rằng, năm 2022, khi người dân đã thích ứng tốt với các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện sẽ thuận lợi và đạt kết quả cao, góp phần hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất toàn huyện đạt 13.700 tỷ đồng như kế hoạch mà UBND huyện Thuận Nam đã đề ra.

* Ngày 3-1, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức ra quân sản xuất đầu năm mới 2022.

Tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, hơn 350 công nhân viên phấn khởi trong ngày sản xuất đầu năm mới. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh, công ty tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch, nhanh chóng tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19, thực hiện phương án sản xuất bình thường theo phương châm “1 cung đường 2 địa điểm” (đến công ty đi làm và về nhà)…, đồng thời nhanh chóng khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty cho biết: Với sự đồng thuận và quyết tâm cao, công ty cơ bản đạt được các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra. Năm 2022, công ty phấn đấu sản xuất 36.000 tấn nha đam nguyên liệu, tăng 16.000 tấn so với năm 2021, sản lượng thành phẩm 15.500 tấn; doanh thu đạt 265 tỷ đồng, tăng thu nhập cho người lao động lên 5-15% so với năm 2021.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ra quân sản xuất đầu năm. Ảnh: Uyên Thu

Không khí ra quân sản xuất tại Công ty TNHH May Tiến Thuận trong ngày đầu năm mới hết sức nhộn nhịp. Năm 2021, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng công ty cơ bản thực hiện tốt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra. Doanh thu bán hàng và dịch vụ đạt trên 147 tỷ đồng, bảo đảm đời sống của người lao động, với mức thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2022, công ty phấn đấu gia công trên 1,4 triệu sản phẩm, doanh thu trên 170 tỷ đồng, bảo đảm việc làm và các chế độ, chính sách cho NLĐ với mức thu nhập bình quân 6,4 triệu đồng/người/tháng. Để đạt được mục tiêu đề ra, công ty thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tăng cường nghiên cứu, ứng dụng cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, phòng ngừa rủi ro, thực hành tiết kiệm, rút ngắn quy trình chế tạo từ 5-10% thời gian, đẩy mạnh các phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong toàn thể cán bộ, công nhân viên.