Qua xác minh của ngành Y tế, vào lúc 17 giờ, ngày 11-12, ông Lê Văn Sơn, sinh năm 1989 ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná làm nghề câu cá được bạn cho 4 con cá nóc mít. Ông Sơn đem về chế biến món ăn rồi mời chị ruột là bà Lê Thị Nụ, 3 người con của chị Nụ và bố vợ là ông Cao Đặng Cường cùng ăn. Sau khi ăn xong thì ông Sơn đi ngủ, đến 23 giờ cùng ngày được người nhà phát hiện có biểu hiện bị ngộ độc nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Phan Rang cấp cứu vào lúc 0 giờ ngày 12-12. Khi tiếp nhận trường hợp này, bác sĩ kết luận đã tử vong trước đó. Sau đó người nhà đưa ông Sơn về nhà mẹ ruột ở thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná để tổ chức tang lễ.
Đối với 5 trường hợp còn lại sau khi ăn xong, đến khoảng 20 giờ, ngày 11-12, bà Nụ và 3 con nhỏ có biểu hiện bị tê môi, tê lưỡi nhẹ, được người nhà phát hiện đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu và điều trị kịp thời vào lúc 1 giờ sáng ngày 12-12, đến chiều ngày 13-12, bà Nụ và 3 con nhỏ được xuất viện. Riêng ông Cao Đặng Cường, người cùng ăn nhưng do ăn ít nên không có dấu hiệu ngộ độc.
Trước vấn đề trên, Sở Y tế kiến nghị UBND huyện Thuận Nam chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các vụ ngộ độc thực phẩm và xử lý kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Chỉ đạo các phòng chức năng liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, xem xét kiện toàn quy trình điều tra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt ở các vùng ven biển tuyệt đối không khai thác, đánh bắt và sử dụng các loại cá nóc, ốc lạ làm thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đánh bắt, thu gom, mua bán, vận chuyển, chế biến hải sản như cá nóc, ốc lạ. Các cơ quan báo chí địa phương tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin tuyên truyền làm cho người dân nhận diện được các loại hải sản độc hại (các loại cá nóc, ốc lạ…), không khai thác và sử dụng làm thực phẩm.
Văn Nỷ