Sở Khoa học và Công nghệ: Chú trọng công tác hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) khuyến khích tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội. Ngoài ra, tài sản trí tuệ là một trong các công cụ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tồn tại và phát triển.

Khi SMEs nắm giữ các quyền sở hữu công nghiệp sẽ độc quyền khai thác và giành được các lợi thế vượt trội trong kinh doanh, bảo vệ được lợi ích từ việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, qua đó kích thích đầu tư vào nghiên cứu tạo công nghệ mới, sản phẩm mới.

Trong những năm qua, việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong đó có các SMEs được Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm vì SMEs có tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, Sở KH&CN đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ cho 48 nhãn hiệu; tư vấn hồ sơ đơn đăng ký cho hơn 100 DN; tư vấn và hỗ trợ kinh phí nộp hồ sơ đăng ký 1 giải pháp hữu ích, tư vấn thủ tục chuyển đổi từ đơn đăng ký sáng chế sang đơn đăng ký giải pháp hữu ích cho 3 hồ sơ và đã được cấp văn bằng bảo hộ.

Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) trồng nho xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: P.B

Nhằm tiếp tục hỗ trợ SMEs trong việc xác lập, khai thác cũng như bảo vệ quyền SHTT, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở KH&CN triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhất là thành lập Trạm khai thác Thông tin và Dịch vụ SHTT tại Ninh Thuận; Trạm IP Platform, đặt tại số 66H, đường Hải Thượng Lãn Ông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Trạm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ để phục vụ cho việc vận hành. Đây là điểm phục vụ và hỗ trợ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp có vai trò quan trọng trong hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ, cung cấp cho SMEs các thông tin liên quan đến tình trạng kỹ thuật, pháp lý và kinh doanh về các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển các tài sản trí tuệ mới, công nghệ mới có tính sáng tạo, giúp SMEs tiếp cận nhanh hơn, mạnh hơn vào thị trường. Ngoài ra, Trạm IP Platform cũng là nơi tư vấn, cung cấp các dịch vụ về SHTT cho các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận, nhằm giúp cho việc xác lập quyền SHTT trở nên thuận tiện, nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn.

Trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các DN trong hoạt động SHTT; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng đối với những sản phẩm OCOP, đồng thời chú trọng đến những sản phẩm có tiềm năng OCOP. Để thực hiện được các mục tiêu của chương trình, Sở đề ra giải pháp tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn lực về đổi mới sáng tạo và SHTT; khuyến khích đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; mở rộng, củng cố năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT; hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội.

Có thể nói, thực hiện tốt chương trình phát triển tài sản trí tuệ sẽ là cơ hội cho nhiều sản phẩm có chất lượng của các DN được bảo hộ và xây dựng thương hiệu. Để đạt hiệu quả, cộng đồng DN cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, nâng cao nhận thức về SHTT để đưa sản phẩm của đơn vị mình ra thị trường.