Tại phiên họp đặc biệt kéo dài 3 ngày của Hội đồng Y tế thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ), 194 nước thành viên của WHO đã thông qua nghị quyết thành lập một cơ quan đàm phán liên chính phủ nhằm thảo luận và phác thảo về một hiệp ước, thỏa thuận hoặc công cụ quốc tế khác nhằm ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Cuộc họp đầu tiên của cơ quan này sẽ diễn ra muộn nhất là vào ngày 1/3/2022 nhằm chọn ra 2 đồng chủ tịch và 4 vị phó chủ tịch. Báo cáo tiến độ sẽ được trình tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng Y tế thế giới vào năm 2023 với kết quả cuối cùng sẽ được đưa ra xem xét tại phiên họp năm 2024.
Ảnh: Reuters
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Thụy Sĩ Lotte Knudsen khẳng định thế giới cần có sự thay đổi trong mô hình y tế toàn cầu để cộng đồng quốc tế có thể phối hợp ứng phó với các đại dịch trong tương lai một cách hiệu quả và nhanh chóng. Theo Đại sứ Knudsen, đây là một quyết định mang tính lịch sử. Thế giới cần tăng cường công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh để tình trạng hiện nay (trong đại dịch COVID-19) không tái diễn trong tương lai.
Trong khi đó, Đại sứ Australia Sally Mansfield, người đồng chủ trì nhóm công tác, cho rằng: "Văn bản này là kết quả của các cuộc thảo luận sâu rộng, trao đổi thẳng thắn và thỏa hiệp. Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết tiến về phía trước để thực hiện những công việc khó khăn trước mắt".
Trước đó, báo Times of India đã đăng bài viết của nhóm phóng viên chuyên trách về môi trường, y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của một hiệp ước về đại dịch toàn cầu. Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trong bối cảnh lo ngại gia tăng liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, nhu cầu về một hiệp ước đại dịch toàn cầu đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trên thực tế, trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, các mô hình hợp tác hiện tại không đủ khả năng để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế ở cấp độ này. Mặc dù WHO thực sự là cơ quan y tế hàng đầu của thế giới, nhưng tổ chức này lại không có đủ cơ sở để buộc các quốc gia phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý.
Bên cạnh đó, COVID-19 cũng cho thấy sự bất bình đẳng lớn trong việc phân phối các thiết bị y tế và vaccine phòng bệnh. Với thông điệp "Không ai có thể an toàn trừ khi tất cả mọi người đều an toàn", hiệp ước sẽ là cơ sở pháp lý để các quốc gia cùng chung tay chống dịch, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
Theo TTXVN/Báo Tin tức