OECD: Biến thể Omicron có nguy cơ tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế toàn cầu

Ngày 1/12, Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Laurence Boone cảnh báo biến thể Omicron có nguy cơ đe dọa đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, OECD đã bày tỏ quan ngại rằng biến thể Omicron đang tạo thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021, đồng thời kêu gọi các nước nhanh chóng triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, do lo ngại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn.

Nhà kinh tế trưởng của OECD, bà Laurence Boone. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,7% được đưa ra trước đó. Theo tổ chức này, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng đã bị mất đà và ngày càng trở nên mất cân bằng. OECD cảnh báo rằng vấn đề y tế, lạm phát cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sai lầm chính sách đều là những mối quan ngại lớn. Theo OECD, ưu tiên chính sách hiện nay là phải đảm bảo vaccine được sản xuất và triển khai nhanh nhất có thể trên khắp thế giới, bao gồm cả việc tiêm mũi tăng cường. Xu hướng phục hồi hiện nay mới chỉ tạm thời và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như các nước không đảm bảo được chính sách này.

Trong kịch bản "khả quan hơn", các nước vẫn tiếp tục áp đặt hạn chế đi lại, kéo theo các hệ quả lâu dài đối với thị trường lao động, năng lực sản xuất và giá cả. Còn trong kịch bản "tồi tệ hơn", tỷ lệ tiêm phòng thấp sẽ tạo cơ hội cho các biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay, nhưng OECD vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng cho năm sau là 4,5%. Báo cáo không bao gồm đánh giá tác động của biến thể Omicron.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Oxford Economics cho rằng biến thể mới có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất 0,25 điểm % vào năm tới. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh nguy hiểm hơn khiến phần lớn các nước tái áp đặt lệnh phong tỏa, thì mức giảm sẽ lên tới là 2 điểm %.

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tiên ở khu vực miền Nam châu Phi và đang lây lan khắp thế giới. Để ứng phó với biến thể mới này, nhiều nước đã áp đặt lệnh cấm đối với hành khách đến từ các quốc gia trong khu vực trên, đặc biệt là Nam Phi.

Về các mối quan ngại khác đối với kinh tế toàn cầu, OECD dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh khi bước sang năm mới, trước khi giảm dần tại 38 nước thành viên của tổ chức này. Thời gian qua, lạm phát tăng vọt đã khiến thị trường chao đảo, do các nhà đầu tư lo ngại rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất sớm hơn để ngăn giá cả leo thang. Trước tình hình này, OECD đã hối thúc các nhà hoạch định chính sách thông báo rõ ràng về việc họ sẽ chấp nhận để lạm phát vượt mục tiêu đề ra ở mức bao nhiêu. Liên quan tình trạng thiếu hụt nguồn cung, OECD nhận định xu hướng này sẽ cải thiện trong giai đoạn 2022-2023 khi nhu cầu ổn định trở lại, năng lực sản xuất và số người đi làm tăng trở lại.

Bên cạnh đó, OECD cũng nêu bật sự khác biệt rõ rệt trong tốc độ phục hồi của các nước trên khắp thế giới. Theo tổ chức này, trong khi một số khu vực của kinh tế toàn cầu đang nhanh chóng phục hồi, thì những nước khác có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những quốc gia thu nhập thấp với tỷ lệ tiêm phòng thấp. Xét theo khu vực, OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm nay, trong khi tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 5,2%. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - sẽ tăng trưởng ở mức 8,1% trong năm nay và 5,1% trong năm 2022.

Theo TTXVN/Báo Tin tức