WHO cho biết thế giới tới ngày 29/11 chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan tới biến thể mới Omicron, song nguy cơ bùng phát toàn cầu của chủng mới này là “rất cao”.
Hãng tin Reuters dẫn một thông cáo của WHO đánh giá biến chủng mới Omicron có thể bùng phát trên phạm vi toàn cầu, gây ra mối đe dọa toàn cầu ở mức “rất cao” và có thể khiến một số khu vực phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng.
Trong khuyến cáo gửi 194 thành viên của tổ chức, WHO hối thúc cộng đồng quốc tế phải sẵn sàng ứng phó với biến chủng mới, đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine cho các nhóm thuộc diện ưu tiên cao và đảm bảo triển khai các kế hoạch đối phó để duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty
Khuyến cáo có đoạn nêu rõ: “Omicron sở hữu số lượng đột biến chưa từng có, một số trong đó liên quan đến tác động tiềm tàng đối với quỹ đạo của đại dịch… Về tổng thể, nguy cơ toàn cầu liên quan đến biến thể mới đáng quan ngại này được đánh giá là rất cao."
Theo WHO, cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về khả năng Omicron “né tránh” hệ thống bảo vệ mà các vaccine tạo ra cho hệ thống miễn dịch của con người. Báo cáo đầy đủ hơn dự kiến sẽ có trong vài tuần tới.
Trước đó, sau cuộc họp khẩn cấp đặt biệt hôm 26/11, WHO đã phân loại biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi là "đáng lo ngại", đồng thời đặt tên cho siêu biến chủng mới này là Omicron. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, WHO nêu rõ: "Biến thể này có số lượng lớn các đột biến, trong đó một số đáng lo ngại. Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác.
Biến thể mới xuất hiện tại Nam Phi này, ban đầu được gọi là B.1.1.529, được đặt tên theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp. Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện nay có thể phát hiện biến thể mới Omicron.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Áo. Ảnh" AFP
Châu Âu hiện là khu vực có nhiều nước ghi nhận các ca mắc biến chủng Omicron nhất. Hàng loạt nước như Áo, Hà Lan, Đức, Anh, Scotland đã xuất hiện các ca bệnh nhiễm chủng Omicron. Tại châu Á, Ấn Độ và Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã có những ca Omicron đầu tiên và đều là khách nhập cảnh.
Slovenia - quốc gia đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) - thông báo các nước EU đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền Nam châu Phi sau khi phát hiện biến thể Omicron.
Slovenia thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng một ủy ban các chuyên gia y tế từ 27 quốc gia EU "đã nhất trí cần kích hoạt việc ngừng khẩn cấp (hoạt động đi lại tới miền Nam châu Phi) và tạm thời áp đặt hạn chế đối với mọi hoạt động đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi vào EU". Một nguồn tin EU cho biết các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng với Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.
Anh ngày 18/11 tuyên bố triệu tập phiên họp khẩn cấp cấp bộ trưởng của các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) để thảo luận về biến chủng mới Omicron.
Một mối quan tâm lớn là biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine vì số lượng lớn đột biến của nó. Hầu hết các loại vaccine đều giúp cơ thể tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa protein đột biến của virus, loại protein này bám vào các tế bào của con người. Nhưng nhiều đột biến của Omicron nằm trong các vùng protein đột biến mà các thể nhận ra, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Hiện các nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 như Pfizer và Moderna đang xem xét việc điều chỉnh vaccine của các hãng này trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Giáo sư Catherine Bennett nhận định có thể chỉ mất vài tuần để có thể phát triển được loại vaccine "thế hệ mới" dựa trên các loại vaccine có sẵn. Đây là điểm mạnh của vaccine công nghệ mRNA, có thể nhắm vào những biến thể cụ thể, như Omicron, mà không cần phải bào chế một loại vaccine mới.
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ của hành khách tại sân bay Nice, miền nam nước Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong diễn biến liên quan, các quốc gia thành viên WHO ngày 28/11 đã đạt được đồng thuận trong việc khởi động tiến trình đàm phán nhằm đi đến một "hiệp ước đại dịch", trong đó đề ra cách thức xử lý trong trường hợp xảy ra khủng hoảng y tế toàn cầu.
Các quốc gia đã nhất trí thành lập một cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) chịu trách nhiệm soạn thảo và đàm phán về một "hiệp ước" của WHO hay một dạng quy ước khác về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Cơ quan này dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên trước ngày 1/3/2022 để bầu ra 2 đồng chủ tịch và 4 phó chủ tịch. Sau đó, INB sẽ bắt đầu xác định các yếu tố cơ bản trong quy ước quốc tế này, trong đó bao gồm các vấn đề như chia sẻ dữ liệu, giải trình tự gene về các virus mới, cũng như bất kỳ vaccine và thuốc tiềm năng nào và hoàn tất dự thảo trước ngày 1/8 năm sau.
INB sẽ trình báo cáo tiến độ của việc đàm phán và soạn thảo tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) vào năm 2023 và trình kết quả cuối cùng về việc ban hành một hiệp ước hay một công cụ khác để xem xét tại cuộc họp thường niên WHA 2024.
Theo TTXVN/Báo Tin tức