Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh quang lâm chứng minh Đại lễ. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Chứng minh Đại lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các chư đức giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đại diện một số tăng ni, phật tử Thành phố Hồ Chí Minh.
Quang cảnh Đại lễ kỳ siêu các nạn nhân tử vong trong dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Vụ công tác tôn giáo phía Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và một số sở, ngành, chính quyền địa phương cùng dự Đại lễ.
Quang cảnh Đại lễ kỳ siêu các nạn nhân tử vong trong dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Đại lễ kỳ siêu đồng bào tử vong vì dịch COVID-19 được thực hiện theo nghi thức trực tuyến và truyền trực tiếp trên nền tảng số của một số đơn vị truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố và mạng xã hội.
Đại lễ gồm chương trình nghi lễ đại chúng với các nội dung chính như niệm Phật cầu gia hộ; mặc niệm đồng bào tử nạn vì COVID-19; dâng hương tưởng niệm và nghi lễ tâm linh truyền thống Phật giáo gồm tán hương, tụng kinh, chúc thực, tuyên điệp…
Nghi thức mặc niệm tưởng nhớ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Phó trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều đau thương, mất mát lớn cho nhân loại, không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới, khiến nhiều người tử vong. Trên tinh thần máu chảy ruột mềm, tinh thần từ bi của đạo Phật, hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, Phật giáo tổ chức lễ cầu siêu để nói lên tình đồng bào, qua đó nương nhờ oai lực Tam Bảo để gửi năng lượng bình yên đến người đã mất cũng như xoa dịu, ấm lòng người ở lại.
Các đại biểu tham dự Đại lễ thực hiện nghi thức mặc niệm tưởng nhớ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho rằng, Đại lễ tưởng niệm kỳ siêu các nạn nhân tử vong trong dịch COVID-19 không chỉ có ý nghĩa giúp gia đình những người tử vong cảm thấy ấm lòng mà còn gửi đến mọi người lời kêu gọi nâng cao ý thức cảnh giác nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Bên cạnh Đại lễ cầu siêu tại Việt Nam Quốc tự, tại các chùa, tự viện đều có các buổi lễ với quy mô, hình thức phù hợp, vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đảm bảo tính chất trang trọng để thành tâm cầu nguyện cho vong linh những người đã khuất. Trong thời gian qua, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, đặc biệt là những chương trình thiện nguyện xã hội giúp đỡ các trẻ mồ côi, nhà tình nghĩa, tình thương...
Thành kính trang nghiêm thực hiện nghi lễ niệm Phật cầu gia hộ. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Vào 20 giờ 35 phút ngày 19/11, cùng thời điểm diễn ra Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, các chùa, tự viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đồng loạt thỉnh đại hồng chung nhất tâm cầu nguyện, hồi hướng đến các nạn nhân tử vong vì dịch COVID-19.
Thành kính nghi thức tụng kinh A Di Đà. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Theo TTXVN/Báo Tin tức