Hệ thống “Phản ánh hiện trường” Kết nối chính quyền với Nhân dân

Triển khai hệ thống “Phản ánh hiện trường” từ cuối năm 2020, đến nay Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC Ninh Thuận) đã tiếp nhận và giải quyết hàng trăm thông tin phản ánh của người dân, mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Hệ thống “Phản ánh hiện trường” được tỉnh triển khai nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân về các lĩnh vực trật tự xây dựng; vệ sinh môi trường; hạ tầng đô thị; các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông, trật tự xã hội, chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề khác thuộc đời sống, xã hội. Khi có vấn đề cần phản ánh, người dân chỉ việc gửi đến hệ thống “Phản ánh hiện trường” thông qua website: tuongtac.ninhthuan.gov.vn, phần mềm “Đô thị thông minh Ninh Thuận” trên điện thoại di động, trang Facebook “NinhThuanIOC”, App Zalo Official Account “Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận” hoặc gọi đến tổng đài 02591022. Ngay lập tức, toàn bộ thông tin, hình ảnh, nội dung, địa điểm được phản ánh sẽ được IOC Ninh Thuận tiếp nhận, phân loại và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, sau đó phản hồi với người dân trong khoảng thời gian tối đa 6 ngày làm việc.

Cán bộ Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh
tiếp nhận thông tin phản ánh hiện trường của người dân.

Theo thống kê của IOC Ninh Thuận, tính đến tháng 9-2021, hệ thống “Phản ánh hiện trường” đã nhận gần 600 phản ánh liên quan đến các vấn đề: Hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và báo cáo về việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, thắc mắc trong tiêm chủng và trợ cấp xã hội do dịch COVID-19. Trong đó, đã xử lý hơn 80% phản ánh, được người dân hài lòng, đánh giá cao.

Anh Trần Văn Hoan, ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) kể lại: Khu vực xung quanh nhà tôi thường xuyên bị đọng nước, nguyên nhân là do một nhà máy gạo xả nước thải ra đường ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân trong khu vực. Khi biết tỉnh có App “Đô thị thông minh Ninh Thuận” có chức năng phản ánh hiện trường, tôi đã chụp ảnh chỗ đọng nước và gửi lên App. Chỉ 5 phút sau khi gửi phản ánh, tôi đã được bộ phận chuyên trách liên lạc hỏi địa chỉ. Trong cùng ngày, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành lấp kín đường ống thoát nước của nhà máy gạo, đồng thời yêu cầu hộ kinh doanh chấm dứt ngay việc xả thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. Tôi rất hài lòng với hệ thống “Phản ánh hiện trường” của tỉnh, sẽ giới thiệu thêm nhiều người biết đến hệ thống này, góp phần xây dựng Ninh Thuận ngày càng văn minh, hiện đại.

Theo ông Võ Trọng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông), hệ thống “Phản ánh hiện trường” chính là công cụ, cầu nối để người dân và chính quyền tương tác với nhau. Cụ thể, từ khi triển khai hệ thống, người dân đã chủ động tương tác, tham gia vào quá trình vận hành, xây dựng chính quyền. Toàn bộ công tác xử lý thông tin đều được công khai, minh bạch, qua đó người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Ở chiều ngược lại, từ thông tin, tương tác của người dân, chính quyền biết được sự vận hành ở các sở, ngành, địa phương có hiệu quả hay không. Việc giải quyết các phản ánh của người dân cũng cho thấy năng lực của chính quyền.

Việc triển khai hệ thống “Phản ánh hiện trường” bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm, ý thức xã hội và huy động tính cộng đồng của mỗi người dân đối với công tác giám sát, quản lý hoạt động của chính quyền, xã hội, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.