Việc triển khai một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
“Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Việt Nam nhất định sẽ sớm chiến thắng được dịch bệnh và doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng thay đổi, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu để bứt phá, tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu đầy biến động và khó lường hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lan tỏa niềm tin.
Doanh nghiệp đối diện khó khăn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách liên tiếp và nghiêm ngặt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, luôn quan tâm lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện bằng hàng loạt các cuộc hội nghị, đối thoại, gặp mặt trong hơn 1 tháng qua.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 105/NQ-CP đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và cơ bản những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết.
Cụ thể, thực hiện giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện khoảng 650 tỷ đồng, ước tính tổng giá trị 05 đợt hỗ trợ giảm giá điện là khoảng 16.950 tỷ đồng; đẩy mạnh triển khai Gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông được áp dụng trong 3 tháng kể từ tháng 8/2021, ước tính sơ bộ kinh phí đã hỗ trợ đến nay là khoảng 4.000 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông qua ngày 24/9/2021, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 38.000 tỷ đồng cho khoảng 12,8 triệu lao động và 380 nghìn đơn vị được thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp…
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Nghị quyết số 105/NQ-CP cho biết, 91,5% doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP; 81% doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết số 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã hiệu quả.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh…
Đề xuất nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn
Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ và cơ quan thường trực của Tổ công tác, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 6 kiến nghị.
Đó là các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp; khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023; trong đó, có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi.
Đối với các địa phương, khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới; cùng với doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.
Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, bảo đảm triển khai các giải pháp thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh; trong đó, tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương gắn với đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người lao động và các đối tượng chính sách bị tác động bởi dịch bệnh, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng; tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội, Bộ trưởng đề nghị càng khó khăn càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ như: chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, mua hàng trả chậm…
Bên cạnh đó, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó, lưu ý trong khủng hoảng, công nghệ, thiết bị thường rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm thông thường và đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội cần giúp Chính phủ giữ được ổn định kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư hấp dẫn, tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế; trong đó, có các nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực doanh nghiệp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay”. Bộ trưởng khuyến nghị.
Theo TTXVN/Báo Tin tức