Bà Madani nhận định rằng từ cuối quý III/2021 trở đi, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ, giống như sự phục hồi sau khi lệnh giãn cách xã hội từ tháng 4/2020 được dỡ bỏ, phần nào nhờ sự tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay. Theo bà, mặc dù gặp nhiều rủi ro về kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, song nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh rất bền bỉ và năng động.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 trong khi tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng kinh tế âm. Bà cũng bày tỏ hy vọng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi trong tương lai một phần nhờ vào thị trường xuất khẩu chính, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... đều đang trên đà phục hồi.
Trước đó, ngày 24/8, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay. Theo WB, dù những rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi.
WB đang chờ số liệu trong tháng 9 của Tổng Cục Thống kê Việt Nam (GSO) cũng như xem quyết định của Chính phủ Việt Nam liên quan tới mở cửa nền kinh tế, mới đưa ra điều chỉnh về dự báo về tăng trưởng kinh tế của nước này.
Theo TTXVN/Báo Tin tức