Duy trì hoạt động thương mại trong bối cảnh dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, Sở Công Thương đã đề ra các giải pháp tập trung triển khai, đáp ứng tốt vai trò giao thương hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực phát triển kinh tế.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 siêu thị, 33 cửa hàng tiện lợi, 1.815 cửa hàng tạp hóa và 102 chợ. Từ đầu năm đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì thế các hoạt động thương mại cầm chừng. Nhưng với việc Sở Công Thương đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 8 tháng năm 2021 vẫn đạt hơn 16.023 tỷ đồng, tăng 2,52% so cùng kỳ.

Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: P.B

Để duy trì hoạt động thương mại, đặc biệt để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh trong tình hình bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở Công Thương đã triển khai các hoạt động thiết thực như: Giới thiệu sản phẩm của tỉnh ra các tỉnh lân cận để phân phối cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của các tỉnh bị tồn đọng do dịch đến hệ thống siêu thị, của hàng Bách hóa XANH, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kết nối, đưa sản phẩm tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Nhờ đó, một số nông sản của tỉnh ta như hành tím, nho xanh, nha đam đã được kết nối và duy trì trên sàn TMĐT Sendo. Bên cạnh đó, một số nông sản khác như măng tây xanh, táo, hành, tỏi, rau... cũng đã được đưa vào các Siêu thị Co.opmart, VinMart và Bách hóa Xanh trên địa bàn tỉnh phục vụ người tiêu dùng. Sở Công Thương đang tiếp tục kết nối để hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh TMĐT và tiêu thụ vào hệ thống các siêu thị và Bách hóa Xanh.

Để duy trì hoạt động Ban Quản lý chợ Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) yêu cầu người dân thực hiện nghiêm
các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi vào chợ. Ảnh: P.N

Ngoài ra, Sở còn cập nhật thông tin, thông báo cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh các hoạt động xúc tiến thương mại online trong bối cảnh dịch COVID-19 như: Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021; Hội thảo trực tuyến Khai thác thị trường thông qua TMĐT - Xây dựng nền tảng kinh doanh online. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa. Năm 2021, Sở Công Thương đề ra kế hoạch tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 27.500 tỷ đồng, tăng 15-16% so với năm 2020.

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Các hoạt động thương mại cũng như công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Hiện các chương trình xúc tiến thương mại địa phương năm 2021 và các phiên chợ hàng Việt cũng đang tạm hoãn vì dịch bệnh. Thời gian tới, để triển khai hiệu quả mục tiêu đề ra, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, chỉ đạo các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thương mại khai thác tốt các nguồn hàng trong và ngoài tỉnh, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước. Bên cạnh đó, thực hiện điều tiết cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, giá cả trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tăng cường phát triển TMĐT, nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm tại chợ Phan Rang. Đồng thời, gắn sản xuất với lưu thông hàng hóa nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.