Các lĩnh vực có số DN giảm, gồm: Sản xuất điện giảm 96,7% (4/127 DN); dịch vụ tư vấn, thiết kế giảm 57,5% (17/40 DN); xây dựng giảm 46,7% (49/92 DN); dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 26,3% (14/19 DN).
So với cùng kỳ năm trước, số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tiếp tục tăng, đến ngày 21-8 có 54 DN giải thể, tăng 25,6% và có 131 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 45,6%. Trong đó, có 45 DN đã ngừng hoạt động năm 2020, nay tiếp tục đăng ký tạm ngừng trong năm 2021, chiếm 35,3%; còn lại 86 DN khác ở hầu hết các lĩnh vực và chủ yếu là DN có quy mô nhỏ, DN mới thành lập như: Lĩnh vực sản xuất giống thủy sản có 17 DN tạm ngừng; xây dựng (23 DN); thương mại, dịch vụ (18 DN); sản xuất điện (7 DN, do chưa được thỏa thuận đấu nối điện), dịch vụ lưu trú (3 DN) và các lĩnh vực khác (18 DN). Số lao động đăng ký trong các DN mới là 1.495 lao động, bằng 53,1% so cùng kỳ.
Nguyên nhân làm số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng là do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh từ tháng 7 đến nay vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh như vận chuyển hành khách, hàng hóa, du lịch, lưu trú, ăn uống giảm mạnh. Mặt khác, do nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa làm các DN, cơ sở sản xuất ít có đơn hàng mới và bị giãn tiến độ giao hàng, sức tiêu thụ chậm.
Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là trong việc chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện nhanh các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách hỗ trợ DN, các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, thể hiện ở con số 101/62 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay lên 3.730 DN, với tổng vốn đăng ký 73.916 tỷ đồng. Điều đó cho thấy tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ DN ngày càng phát huy hiệu quả.
VT