Thời gian còn lại để thực hiện dự án không nhiều nhưng khối lượng công việc còn rất lớn, do đó tỉnh đang quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước, đơn vị chủ đầu tư, Dự án Môi trường bền vững được phê duyệt thực hiện từ năm 2016, với tổng mức đầu tư 1.933,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 1.655,5 tỷ đồng và vốn đối ứng 278,3 tỷ đồng. Dự án được ký Hiệp định tài trợ từ tháng 10-2017, thời gian thực hiện từ năm 2018-2022. Năm 2021 dự án được bố trí vốn hơn 268,4 tỷ đồng, nâng tổng vốn đã bố trí thực hiện dự án đến nay là 482,2 tỷ đồng. Hiện dự án đã giải ngân được hơn 239,4 tỷ đồng, đạt 49,6% vốn bố trí. Trong đó vốn kế hoạch năm 2021 giải ngân được 43 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch.
Giai đoạn đầu dự án (giai đoạn 30%) có 4 gói thầu xây lắp, hiện đã hoàn thành 1 gói thầu xây dựng nhà vệ sinh; đang thi công 2 gói (nâng cấp kênh Chà Là, đường quản lý dọc và kênh TH5 đạt 41% khối lượng công việc, hạ tầng Khu tái định cư đường Phan Đăng Lưu đạt 90% khối lượng và mở rộng kéo dài đường hẻm 150 đạt 49%); 1 gói xây dựng mới kênh Đông Nam và đoạn kênh Tấn Tài, xây dựng tuyến cống chung cấp 2, từ đường Thống Nhất đến đến kênh Tấn Tài đang triển khai đấu thầu xây lắp. Các gói thầu giai đoạn này phải hoàn thành vào năm 2022, nhưng tiến độ thi công vẫn còn chậm so với kế hoạch. Hiện nay, dự án đang tập trung triển khai công tác đến bù GPMB để đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình được duyệt, đã hoàn tất thủ tục thu hồi đất, bồi thường và chi trả cho 258/346 hộ, còn lại 88 hộ đang tổ chức kiểm kê và giải quyết các yêu cầu của một số hộ.
Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đang triển khai thi công.
Đối với giai đoạn sau (giai đoạn 70%) thực hiện các hạng mục gồm: Tuyến kênh Tấn Tài, kênh Nhị Phước, kênh Chà Là, hồ điều hòa trung tâm, hồ Đông Hải, mở rộng đường Huỳnh Thúc Kháng hiện đang trình hồ sơ để Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế và hoàn thành tổ chức thực hiện đấu thầu. Các khó khăn vướng mắc của dự án đó là hiện nay thủ tục GPMB các hạng mục còn lại chưa hoàn thành, do đó vốn đối ứng chưa có cơ sở giải ngân. Theo tiến độ hiện nay, sớm nhất cũng phải đến tháng 11 mới hoàn tất các hồ sơ GPMB và tiến hành giải ngân. Do đó, dự kiến đến ngày 30-9 chỉ có thể giải ngân được khoảng 26% kế hoạch vốn. Như vậy, chủ đầu tư phải phấn đấu cật lực thì khả năng đến cuối năm 2021 mới có thể giải ngân hết 100% vốn kế hoạch được giao.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc phụ trách Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước cho biết: Thời gian gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan, tiến độ dự án đã được đẩy nhanh và có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng công tác GPMB vẫn còn những vướng mắc, gây trở ngại lớn đến mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án, ảnh hưởng đến việc đề nghị WB gia hạn, tạo điều kiện để tỉnh thực hiện trọn vẹn giai đoạn 2 của dự án. Khó khăn nữa đó là dự án cần hỗ trợ của các chuyên gia, tư vấn nước ngoài nhưng do tình hình dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến quá trình triển khai. Mặt khác, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, WB ký kết Hiệp định tài trợ từ năm 2016, trong đó các khoản thuế được chi trả từ vốn nước ngoài. Tuy nhiên, từ khi áp dụng Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020 của Chính phủ quy định các khoản thuế được thực hiện từ vốn đối ứng dự án phát sinh 167,5 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để thanh toán là rất khó khăn, không đảm bảo khả năng cân đối.
Để tháo gỡ khó khăn thực hiện dự án, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị trung ương xem xét, cho phép tỉnh được tiếp tục sử dụng nguồn vốn ODA để thanh toán các khoản thuế, phí theo như hiệp định đã ký kết; đồng thời, giao Sở Tài chính khẩn trương tham mưu làm việc Bộ Tài chính cho phép tỉnh được sử dụng vốn ODA để thanh toán thuế, phí đối với các dự án đã ký hết hiệp định trước ngày Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Cùng với đó, chủ đầu tư khẩn trương xây dựng hồ sơ làm việc với Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế và hoàn thành tổ chức thực hiện đấu thầu giai đoạn 70% dự án. Đối với khâu GPMB, tỉnh cũng đã giao UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm khẩn trương hoàn tất hồ sơ đền bù, GPMB phấn đấu chậm nhất đến ngày 25-9-2021 phê duyệt chi phí đền bù để tập trung giải ngân vốn trước ngày 30-9-2021.
Đến thời điểm này chỉ còn hơn một năm để tỉnh phải hoàn thành dự án, trong đó, bao gồm triển khai thực hiện giai đoạn 2 là giai đoạn thực hiện 70% khối lượng dự án. Đây là hợp phần hết sức quan trọng, giúp giải quyết dứt điểm bức xúc của người dân thành phố về môi trường bị ô nhiễm, đem lại không khí trong lành và tạo diện mạo cho bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại. Do đó để đạt được kỳ vọng như mục tiêu đề ra, các ngành, các cấp, đơn vị, địa phương cần tăng cường phối hợp, tích cực tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn, nhất là những hộ dân trong vùng dự án về hiệu quả và ý nghĩa quan trọng mà dự án mang lại, qua đó tạo sự đồng thuận của Nhân dân để chung tay đẩy nhanh tiến độ dự án.
Anh Tuấn