Phát biểu trong cuộc tranh luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ về quá trình chuyển giao hoạt động gìn giữ hòa bình, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ không bao giờ kéo dài vĩnh viễn và quá trình chuyển giao không phải theo chế độ “bật-tắt” mà rất phức tạp, tùy thuộc từng bối cảnh ở mỗi quốc gia, liên quan việc tái định hình sự hiện diện, chiến lược và dấu ấn của LHQ ở đó.
Toàn cảnh phiên họp HĐBA LHQ về Tiến trình chuyển tiếp từ các hoạt động gìn giữ hòa bình. Ảnh: TTXVN
Quá trình này không phải bắt đầu khi một sứ mệnh sắp kết thúc mà diễn ra ngay từ khi những người lính đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đặt chân tới quốc gia đó. Thành công của sứ mệnh phụ thuộc vào sự hợp tác sớm và bền vững giữa các phái bộ tại địa bàn, chính phủ các nước sở tại, các nhóm chuyên trách của LHQ cùng các đối tác địa phương và các đối tác toàn cầu. Ngoài ra, thành công còn phụ thuộc vào việc xây dựng lòng tin với người dân và cộng đồng tại nơi triển khai các phái bộ hòa bình.
Tổng thư ký LHQ cam kết sẽ không ngừng cải thiện quá trình chuyển giao và học hỏi bài học từ những các sứ mệnh trước đây, gồm hỗ trợ chính trị, phát huy vai trò lãnh đạo của quốc gia, tài trợ tiến trình chuyển tiếp và tái thiết quốc gia.
Theo ông Guterres, bài học đầu tiên về hỗ trợ chính trị cần được duy trì trong suốt quá trình chuyển giao và xa hơn nữa, theo đó, LHQ cần tăng cường tập trung vào việc hợp tác với các chính quyền địa phương và quốc gia để xây dựng lại các hệ thống quan trọng.
Bài học thứ hai là vai trò lãnh đạo của quốc gia và năng lực làm chủ khi tiếp nhận chuyển giao. Các sứ mệnh gìn giữ hòa bình có thể giúp đưa một quốc gia đi đúng hướng. Tuy nhiên, chỉ các bên liên quan tại quốc gia đó mới có thể duy trì hướng đi này một cách lâu dài.
LHQ muốn đảm bảo rằng các tổ chức chính phủ quốc gia, các đối tác và các nhóm xã hội dân sự đều đang làm việc cùng nhau để tiến tới hòa bình và xây dựng các thể chế thực sự có trách nhiệm, đại diện và đáp ứng nguyện vọng của người dân. Tổng thư ký LHQ cho rằng các nhà lãnh đạo và người dân của các quốc gia đang trong quá trình chuyển tiếp phải là những “kiến trúc sư cuối cùng của hòa bình” trong khi LHQ và cộng đồng quốc tế đóng vai trò hỗ trợ.
Bài học thứ ba là tầm quan trọng của nguồn tài chính đảm bảo chuyển tiếp bền vững. Việc chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ thường đi đôi với việc các dòng viện trợ bị thu hẹp. Ông Guterres cảnh báo "vách đá tài chính" này có thể là một rủi ro lớn đối với một quốc gia vẫn đang thực hiện những bước đi dự kiến đầu tiên hướng tới hòa bình và phát triển bền vững. Tổng thư ký LHQ hoan nghênh quyết định của Đại hội đồng khi triệu tập một cuộc họp cấp cao thảo luận về việc gây quỹ Xây dựng hòa bình LHQ vào năm tới nhằm thu hẹp phần nào khoảng cách tài chính nói trên. Tuy nhiên, ông cho rằng cần huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa từ các quốc gia thành viên LHQ.
Theo Tổng thư ký Guterres, bài học thứ tư là hỗ trợ chính quyền quốc gia trong bảo vệ người dân và tái thiết tương lai của đất nước. Ông cho rằng khi một sứ mệnh của LHQ kết thúc, những rủi ro đối với dân thường và các nhóm dễ bị tổn thương không biến mất một cách đơn giản. Các phái bộ gìn giữ hòa bình cần giúp các chính phủ thiết lập các hệ thống an ninh lớn mạnh hơn, trong khi đảm bảo rằng các bên liên quan tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế. Ông Guterres nhấn mạnh trong nỗ lực này cần tới sự hỗ trợ của HĐBA LHQ trong việc giải quyết các mối đe dọa còn lại đối với dân thường.
Tổng thư ký nhấn mạnh hòa bình là một quá trình lâu dài và hiếm khi bằng phẳng, và LHQ cùng cộng đồng quốc tế vẫn có vai trò sống còn trong việc giúp các quốc gia tiến lên trên hành trình của mình. Ông khẳng định: "Hòa bình là có thể. Hòa bình là cần thiết. Hòa bình là con đường duy nhất dẫn đến một tương lai bền vững”, đồng thời bày tỏ "mong muốn sẽ cùng HĐBA LHQ tiếp tục hỗ trợ các quá trình chuyển tiếp và theo đuổi mục tiêu chung là hòa bình cho tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia.
Theo TTXVN/Báo Tin tức