Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000 máy đo nồng độ oxy. Đây là sự giúp đỡ quý báu và kịp thời, thể hiện tinh thần đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Đức đối với Việt Nam trong thời điểm khó khăn và là minh chứng sinh động cho mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức đang ở năm thứ 10 (10/2011 - 10/2021).
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiếp cận được nhiều nguồn vaccine đã được Chính phủ Việt Nam xác định là giải pháp và ưu tiên cấp bách để có thể triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng nhanh và hiệu quả, góp phần sớm kiểm soát dịch COVID-19. Cho đến nay, viện trợ của Chính phủ Đức là sự hỗ trợ lớn nhất của một nước thành viên EU đối với Việt Nam. Đây là kết quả của sự vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư và điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nỗ lực vận động mà Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, các bộ, ngành và Cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức đã triển khai trong thời gian qua.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Astra Zeneca. Ảnh minh họa: PAP/TTXVN
Đức là một trong những nước tài trợ lớn nhất thế giới cho cơ chế COVAX với tổng cam kết đóng góp trị giá 2,2 tỷ Euro. Trên cơ sở đạt yêu cầu về tỷ lệ tiêm chủng trong nước và góp phần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine trên toàn cầu, từ cuối tháng 8/2021, Đức cũng đã bắt đầu chia sẻ nguồn vaccine dôi dư và các trang thiết bị y tế với các đối tác qua cơ chế hợp tác song phương. Dự kiến đến cuối năm 2021, Đức sẽ tài trợ 30 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển.
Theo TTXVN/Báo Tin tức