Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có các loại "biến thể đáng quan tâm", "biến thể đáng lo ngại" và "biến thể gây hậu quả cao".
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết một biến thể được phân loại là “biến thể quan tâm” nếu nó cho thấy "các dấu hiệu di truyền cụ thể có liên quan đến những thay đổi đối với liên kết thụ thể, giảm khả năng trung hòa bởi các kháng thể được tạo ra từ lần lây nhiễm trước đó hoặc từ tiêm chủng, giảm hiệu quả của phương pháp điều trị, tác động chẩn đoán tiềm ẩn, hoặc tăng khả năng lây truyền hay mức độ nghiêm trọng của bệnh”.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một em bé ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 3/8/2021 trong đợt bùng dịch do biến thể Delta. Ảnh: AP
Một “biến thể đáng lo ngại” là một biến thể trong đó "có bằng chứng về sự gia tăng khả năng lây truyền, bệnh nặng hơn (ví dụ, tăng số ca nhập viện hoặc tử vong), giảm đáng kể khả năng trung hòa bởi các kháng thể được tạo ra từ lần lây nhiễm trước hoặc từ tiêm chủng, giảm hiệu quả của phương pháp điều trị hoặc vaccine, hoặc thất bại trong phát hiện chẩn đoán", theo CDC.
Tiến sĩ Allison Arwady tại Sở Y tế Chicago (Mỹ) cho biết: “Một khi chúng ta thấy một 'biến thể đáng quan tâm' có tác động, có nghĩa là nó dễ lây lan hơn, có thể đang né tránh liệu pháp điều trị, rõ ràng nó đang khiến mọi người bị bệnh nặng hơn - điều đó khiến nó trở thành một 'biến thể đáng lo ngại'”.
Cuối cùng, một “biến thể hậu quả cao” là khi “có bằng chứng rõ ràng rằng các biện pháp phòng ngừa hoặc các biện pháp đối phó y tế đã giảm hiệu quả đáng kể so với các biến thể đã lưu hành trước đó”. Hoặc, như bác sĩ Arwady cho biết, đó là một biến thể mà với nó 'vaccine không hoạt động hiệu quả”.
Hiện tại vẫn chưa có biến thể SARS-CoV-2 nào được WHO xếp loại “biến thể hậu quả cao”.
Dưới đây là tổng hợp 5 biến thể ‘đáng quan tâm’, gồm: Mu, Lambda, Eta, Kappa và Iota; và 4 biến chủng ‘đáng lo ngại’: Alpha, Beta, Gamma và Delta - theo phân loại của WHO.
5 'BIẾN THỂ ĐÁNG QUAN TÂM"
Biến thể Mu
Biến thể Mu (còn được các nhà khoa học gọi là B.1.621) xuất hiện lần đầu ở Colombia vào đầu tháng 1/2021, được WHO xếp vào nhóm đáng quan tâm vào ngày 30/8.
Theo WHO, biến thể Mu chứa các đột biến di truyền cho thấy khả năng né tránh miễn dịch tự nhiên, các loại vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng hiện tại có thể không hoạt động hiệu quả như chống lại virus gốc. Chủng Mu cần được nghiên cứu thêm để xác nhận xem liệu nó có dễ lây lan hơn, gây chết người hay kháng thuốc hơn với các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại hay không.
Biến thể Mu đã gây ra một số chùm ca bệnh rải rác tại Nam Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, biến chủng này không lây lan mạnh như chủng Delta. Các nhà khoa học nhận định đây không phải là mối đe dọa lớn đối với thế giới.
Hiện tại, bản tin hàng tuần của WHO cho thấy chủng này chỉ chiếm ít hơn 0,1% các trường hợp mắc COVID-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, “tỷ lệ mắc chủng Mu ở Colombia (39%) và Ecuador (13%) liên tục tăng cao”.
Nhật Bản đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Mu đầu tiên ngày 1/9. Trong ảnh là sân bay Haneda ở Tokyo trong tháng 8/2021. Ảnh: Bloomberg
Vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu biến thể Mu có thể tránh được vaccine COVID-19. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của các chuyên gia ở Rome đã kiểm tra hiệu quả của vaccine BioNTech-Pfizer chống lại biến thể Mu và phát hiện ra rằng “mặc dù có một số đột biến gai, nhưng B.1.621 vẫn được vô hiệu hóa bởi vaccine Pfizer". Họ lưu ý rằng sự trung hòa của vaccine, mặc dù vẫn hiệu quả nhưng thấp hơn so với các biến thể COVID-19 khác.
Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet vào ngày 13/8 cho thấy rằng biến thể Mu có “hai trường hợp có khả năng thoát khỏi vaccine”. Nghiên cứu nói rằng một số gai tăng đột biến trong Mu "đã được báo cáo là cho thấy sự giảm trung hòa bởi các kháng thể". Biến thể Mu cũng được phát hiện có chung một đột biến với biến thể Delta, liên quan đến làm suy yếu phản ứng vaccine.
Biến thể Lambda
Được WHO xếp loại "đáng quan tâm" vào ngày 17/6, cho đến nay, biến thể Lambda đã được phát hiện ở 29 quốc gia. Còn được gọi là C.37, biến chủng này đã lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ, đặc biệt là ở Peru, nơi các mẫu virus được ghi nhận sớm nhất vào tháng 12/2020.
Trong báo cáo của mình vào giữa tháng 6, WHO đã báo cáo rằng "Lambda có liên quan đến tỷ lệ lây truyền cộng đồng đáng kể ở nhiều quốc gia, với tỷ lệ lây lan gia tăng theo thời gian đồng thời với tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 gia tăng" và nhiều cuộc điều tra tiếp theo cần được thực hiện để hiểu rõ hơn về biến thể này.
Biến thể Lambda đã được phát hiện ở Philippines. Trong ảnh, người dân chờ tiêm vaccine COVID-19 ở Manila. Ảnh: Reuters
Lambda có 7 đột biến trong protein mà virus sử dụng để lây nhiễm sang tế bào người. Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến đột biến L452Q, tương tự L452R đã được phát hiện ở biến chủng Delta. Đây cũng là đột biến giúp biến chủng Delta lây lan nhanh hơn.
Theo một bài báo của hai chuyên gia Nhật Bản được đăng tải vào đầu tháng 8 trên trang biorxiv.org, biến chủng Lambda mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S, có thể thoát khỏi kháng thể ở những người đã nhiễm virus từ trước hoặc sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, bài viết vẫn chưa được xuất bản trên một tạp chí có thẩm định. Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến chủng Lambda ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của vaccine. WHO cho rằng cần thực hiện thêm nghiên cứu về mức độ bảo vệ của vaccine trước biến chủng Lambda.
Biến thể Eta
Lần đầu tiên được xác định ở Anh và Nigeria vào giữa tháng 2/2021, biến thể Eta (còn gọi là B.1.525) được WHO xếp vào nhóm "đáng quan tâm" từ ngày 17/3. Biến chủng này đang được theo dõi về khả năng làm giảm hiệu quả của một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng, theo CDC Mỹ.
Biến thể Eta chứa đột biến E484K, loại có trong B1351 của Nam Phi và P.1 từ Brazil. Nó từng được các nhà khoa học cảnh báo là có thể kháng vaccine. Đột biến E484K làm thay đổi hình dạng gai protein của virus. Dạng đột biến đặc biệt này khiến virus khó bị hệ thống miễn dịch của cơ thể người phát hiện hơn. Đây là điểm khiến các biến chủng chứa đột biến E484K trở nên nguy hiểm và khó lường hơn.
Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết: "Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng B1525 gây bệnh nặng hơn hoặc có khả năng lây nhiễm cao hơn".
Nhân viên y tế tiếp cận đảo Uros, Peru để tiêm phòng COVID-19 cho người dân, ngày 7/7/2021. Ảnh: AFP
Biến thể Kappa
Còn có tên gọi là B.1.617.1, biến thể Kappa gần giống Delta, cũng được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10/2020.
Đầu tháng 7, Kappa gây "báo động đỏ" tại Ấn Độ, khiến giới y khoa trên toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gien để giám sát sự lây lan của biến thể này. Những triệu chứng khi nhiễm biến thể Kappa cũng tương tự những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi nhiễm. Hiện chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến thể Kappa vì chưa có nhiều trường hợp nhiễm, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy biến thể này không khác nhiều so với biến thể Delta.
Số ca nhiễm chủng Kappa so với Delta chiếm tỷ lệ không nhiều trong làn sóng COVID-19 thứ 2 tại Ấn Độ. Ngoài ra, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) tuyên bố vaccine Covaxin của Bharat Biotech có thể chống lại biến chủng này. Vào tháng 6, Đại học Oxford (Anh) cũng chia sẻ nghiên cứu cho thấy vaccine AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ khỏi Kappa.
Biến thể Iota
Biến thể Iota (còn gọi là B.1.526) lần đầu tiên được xác định ở New York, Mỹ vào tháng 11/2020. Nó đang được theo dõi về "giảm tính nhạy cảm với sự kết hợp của điều trị kháng thể đơn dòng bamlanivimab và etesevimab", mặc dù vẫn chưa rõ tác động của điều trị kháng thể đơn dòng thay thế.
Theo tờ New York Times, các nhà nghiên cứu của Caltech đã phát hiện sự gia tăng của B.1.526 bằng cách quét các đột biến trong trình tự bộ gien của virus dựa trên cơ sở dữ liệu GISAID. Họ nhận thấy biến thể này có hai đột biến mới xuất hiện ngày càng nhiều. Cụ thể, biến chủng Iota với đột biến E484K có thể giúp virus né tránh kháng thể tạo ra từ vaccine. Một đột biến khác có tên là S477N, có thể ảnh hưởng đến mức độ liên kết chặt chẽ của virus với tế bào người.
Tới tháng 2/2021, biến thể Iota lan nhanh ở khu vực New York, và tới tháng 4, nó được phát hiện ở ít nhất 48 tiểu bang Mỹ và 18 quốc gia.
4 "BIẾN THỂ ĐÁNG LO NGẠI"
Biến thể Alpha
Còn được gọi là B.1.1.7, biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh và nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến nhất ở Mỹ, trước khi biến thể Delta thống trị ở giai đoạn hiện tại.
Theo CDC, biến thể Alpha "lây lan nhanh hơn nhiều so với các biến thể khác" và "có khả năng khiến nhiều người bị ốm và tử vong hơn” virus gốc.
Các loại vaccine hiện tại đều có tác dụng chống lại biến thể này, mặc dù một số trường hợp lây nhiễm đột phá đã được báo cáo. Tuy nhiên, các loại vaccine vẫn tiếp tục chứng minh hiệu quả chống lại các ca mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Biến thể Beta
Còn được gọi là B.1.315, biến thể Beta lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi.
Biến thể Beta "có thể lây lan nhanh hơn các biến thể khác" nhưng dữ liệu hiện tại không cho thấy dấu hiệu nào cho thấy biến thể này gây ra "bệnh nặng hơn hoặc ca tử vong cao hơn các biến thể khác", theo CDC.
Các loại vaccine hiện tại có tác dụng chống lại biến thể Beta, mặc dù một số trường hợp lây nhiễm đột phá đã được báo cáo. Tuy nhiên, các loại vaccine vẫn tiếp tục chứng minh hiệu quả chống lại mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Theo CDC, khi điều trị các trường hợp mắc biến thể Beta, một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng sẽ kém hiệu quả hơn.
Tiêm vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AP
Biến thể Gamma
Còn được gọi là P.1, biến thể Gamma lần đầu tiên được phát hiện ở Nhật Bản và Brazil.
Mặc dù biến thể này có vẻ lây lan nhanh hơn các biến thể khác, nhưng dữ liệu hiện tại không cho thấy dấu hiệu nào cho thấy nó gây ra nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc dễ tử vong hơn các biến thể khác - theo CDC Mỹ.
Các loại vaccine được WHO có tác dụng chống lại biến thể Gamma, mặc dù một số trường hợp lây nhiễm đột phá đã được báo cáo. Tuy nhiên, các loại vaccine vẫn tiếp tục chứng minh hiệu quả ngăn mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Nhưng theo CDC Mỹ, khi điều trị các trường hợp mắc biến thể Gamma, một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng sẽ kém hiệu quả hơn.
Biến thể Delta
Còn được gọi là B.1.617.2, biến thể Delta lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ và hiện là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp COVID ở Mỹ và nhiều nước trên khắp thế giới.
Theo CDC Mỹ, biến thể Delta "lây lan nhanh hơn nhiều so với các biến thể khác" và "có thể gây ra nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn các biến thể khác".
Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 3/8/2021 trong đợt bùng dịch do biến thể Delta. Ảnh: AP
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 21/6, tốc độ và khả năng lây nhiễm cao của biến thể Delta có thể khiến “chúng dễ gây tổn thương hơn so với các biến thể trước đó".
Biến thể Delta cũng được cho là "gây ra một mối đe dọa đặc biệt với những người trẻ tuổi” – theo điều phối viên phản ứng với COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient.
CDC cho biết: “Lây nhiễm virus chỉ xảy ra ở một tỷ lệ nhỏ những người được tiêm chủng đầy đủ, ngay cả với biến thể Delta. Một số ca lây nhiễm đột phá xảy ra, nhưng vẫn hiếm. Tuy nhiên, bằng chứng sơ bộ cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus sang người khác".
Khi điều trị các ca nhiễm biến thể Delta, một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng ít hiệu quả hơn.
Cũng đã có một số cuộc thảo luận về một biến thể được gọi là "Delta plus". Đây là một phiên bản phụ của biến thể Delta được biết đến chính thức là AY.1. Cho đến nay có ba phiên bản phụ là AY.1, AY.2 và AY.3 – đều được gọi là “Delta plus”. Theo Tiến sĩ Allison Arwady tại Sở Y tế Chicago (Mỹ), trong số các biến thể phụ của biến thể Delta, biến thể B.1.617.2 "vượt trội" vì nó dễ lây lan hơn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức