Phát biểu tại buổi tọa đàm “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp” tổ chức ngày 10/5, tại Hà Nội, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng biết nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện để các ngân hàng cho vay như việc lập kế hoạch kinh doanh, tài sản đảm bảo, cân đối tài chính của doanh nghiệp… Những điều kiện trên thường chỉ có doanh nghiệp lớn, có uy tín, thương hiệu mới đáp ứng được.
Theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, thủ tục các ngân hàng đặt ra là "quá sức" đối với doanh nghiệp. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có 5-10% số doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay.
Thêm vào đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng quá cao (có nơi lên tới 27%) và việc gia tăng các loại phí của các ngân hàng cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp thực sự cần vay vốn để sản xuất kinh doanh; không ít doanh nghiệp đã thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất vì không vay được vốn.
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết trong năm qua, giá cả có sự biến động rất lớn đã làm cho không ít các doanh nghiệp trong nước dè chừng, không mạnh dạn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, các phí đầu vào cho sản xuất như nguyên vật liệu, vận tải… đều tăng cao. Do vậy, doanh nghiệp rất chật vật, khó khăn khi không tìm được nguồn vốn vay.
Tuy nhiên, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện nay, ngoài kênh huy động vốn truyền thống là vay từ ngân hàng, vẫn còn khá nhiều kênh huy động vốn khác mà các doanh nghiệp chưa tận dụng hết như cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, mua chịu hàng hóa, đi thuê tài chính hay kinh doanh liên kết...
Theo nghiên cứu của VCCI, có đến hơn 74% doanh nghiệp muốn tìm đến vốn bằng hình thức vay ngân hàng. Chính tâm lý này đang hạn chế tính năng động của doanh nghiệp.
Huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng là một kênh huy động vốn quan trọng của nhiều doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Mùi, ngân hàng Vietinbank cho biết kênh này đang ngày một khó khăn hơn vì chính sách tài khóa tiền tệ thắt chặt của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu thị trường ổn định việc huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng là một nguồn vốn khá tốt nếu doanh nghiệp biết cách tận dụng đầu tư hợp lý.
Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu đang là kênh giúp nhiều doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả, song kênh này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm chú trọng.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam khẳng định rằng về mặt dài hạn, doanh nghiệp vẫn có nhiều thuận lợi để tiếp cận vốn trên thị trường trái phiếu. Do đó, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, trái phiếu sẽ ngày càng trở thành kênh huy động vốn hiệu quả và quan trọng đối với các doanh nghiệp quy mô lớn trong những năm tới đây.
Tuy nhiên, để phát huy nội lực, các doanh nghiệp Việt Nam cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn của mình, trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc tiết giảm chi phí, tích cực cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc; tập trung kinh doanh sản phẩm chính; rút ngắn thời hạn thanh toán phân phối để đẩy nhanh vòng vốn, giảm lệ thuộc vào vay ngân hàng; đảm bảo thanh toán hàng nhập khẩu, tạo nguồn dự phòng thay đổi tỷ giá; tránh giảm mức tiêu thụ bằng cách phải chấp nhận lỗ để giữ khách hàng.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam