Nguyễn Thanh Hoan – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương
(NTO) Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo về nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế quốc gia. Ngày 14/5/1951, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.
Từ đó đến nay, mặc dù qua nhiều lần thay đổi tên gọi, chia tách, sát nhập song các thế hệ cán bộ, CNVC - LĐ ngành Công Thương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sản xuất muối công nghiệp.
Trải qua 60 năm phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động ngành Công Thương đã tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và truyền thống tốt đẹp của ngành, tích cực thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, luôn xứng đáng là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước nhà.
Ngành đã có đóng góp quan trọng đưa nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng đầy đủ và hiệu quả vào nền kinh tế thế giới. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia vào nhiều khu vực mậu dịch tự do và có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều đối tác lớn, là những dấu mốc rất quan trọng, nâng tầm hội nhập của nước ta lên cấp độ toàn cầu. Kết quả hội nhập đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Hòa cùng với truyền thống chung của ngành Công Thương Việt Nam, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành, địa phương, các thế hệ lãnh đạo của ngành cùng cán bộ, công nhân, viên chức ngành Công Thương đã đoàn kết vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Kết quả 5 năm giai đoạn 2006-2010, ngành Công Thương đã đạt được những kết quả: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 12,5%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng trưởng bình quân là 23,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân là 3,5%. Từng bước tham gia một cách tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.
Các cơ sở công nghiệp đã quan tâm đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng; một số dự án mới hoàn thành như Thủy điện Sông Ông 8,1 MW, xi măng Luks 750.000 tấn/năm,…; các làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích, tạo điều kiện để duy trì sản xuất và phát triển ổn định; công tác khuyến công được đẩy mạnh. Các ngành nghề chủ lực phục vụ nông nghiệp, nông thôn như cơ khí, xây dựng, chế biến thủy sản, làm gốm, dệt thổ cẩm được quan tâm đầu tư toàn diện gắn với phát triển du lịch văn hóa, giải quyết việc làm;
Hệ thống thương mại bán lẻ được mở rộng, triển khai chương trình phát triển chợ đạt kết quả, đã thu hút các nhà đầu tư tham gia; đưa Siêu thị Thanh Hà vào hoạt động tạo loại hình dịch vụ văn minh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hệ thống đại lý cung ứng hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất cho nông nghiệp trên địa bàn các huyện, vùng núi, vùng sâu, vùng xa được mở rộng góp phần thúc đẩy gia lưu hàng hóa và phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng, miền trong tỉnh;
Trong quá trình triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, đã có nhiều chuyển biến như: Công tác cải cách hành chính đặc biệt quan tâm nhằm thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực có tiềm năng (điện gió, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản,…). Đồng thời từng bước tiêu chuẩn hóa quản lý, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình; chú trọng công tác xây dựng các quy hoạch, kế hoạch để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, đẩy mạnh xuất khẩu, ổn định và phát triển thị trường trong nước,… góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Phát huy truyền thống của ngành, trong thời gian tới, ngành Công Thương Ninh Thuận quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Trước mắt, trong năm 2011, triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Từ nay đến năm 2015, toàn ngành xác định nắm vững thời cơ thuận lợi mới để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể hoạt động của ngành, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2011- 2015) của tỉnh. Toàn ngành đã quán triệt các quan điểm để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của ngành, trong đó, mục tiêu tổng quát là: Phát triển công nghiệp, thương mại giai đoạn 2011 - 2015 với tốc độ cao, bền vững, đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ; tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.