(NTO) Khó khăn nghề biển
Với trên 105 km bờ biển, tỉnh ta có nguồn lợi hải sản khá phong phú với đội tàu thuyền lên tới gần 2.700 chiếc. Nghề đi biển vốn đã phụ thuộc vào thời tiết, thu nhập bấp bênh, thời gian qua giá xăng dầu tăng cao nên đời sống của ngư dân vốn đã bấp bênh theo từng chuyến ra khơi nay càng thêm khốn khó. Đến các cảng cá vào đầu tháng 5, chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều tàu cá phải nằm bờ, mặc dù từ tháng tư đã là thời điểm bước vào vụ cá Nam – vụ đánh bắt chính trong năm.
Tại cảng cá Đông Hải, chúng tôi gặp anh Trần Minh Vũ, chủ tàu cá ở Kp5 Phường Mỹ Đông đang loay hoay sửa máy. Anh tâm sự: “Tàu cá của gia đình tôi công suất 300 CV, bình thường mỗi chuyến biển đánh bắt 20 ngày chi phí hết khoảng 80 triệu đồng, nhưng nay giá dầu tăng phải chi trên 100 triệu đồng, trong đó riêng 4 tấn dầu đã hết 85 triệu rồi... Chi phí nhiều là thế, tuy nhiên “biển giả” ngày càng bấp bênh, như chuyến vừa rồi chỉ thu được 70 triệu, không những lỗ mà còn phải sửa tàu tốn tiền thợ, tiền máy”.
Cùng với chi phí đi biển tăng cao thì khó khăn hiện nay đối với các chủ tàu đó là đồng thời với giá dầu tăng, chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu không bán dầu thiếu theo kiểu “gối đầu” như trước nữa mà bắt phải trả tiền liền do sợ giá dầu còn tiếp tục tăng lên. Anh Nguyễn Văn Phong, ở thôn Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải) cho biết: “Trước đây tôi thường đổ chịu một lúc 2.000 lít dầu đủ cho 20 ngày đi biển, nhưng nay do yêu cầu trả tiền liền nên chỉ đủ đổ 600 lít dầu cho 5-7 ngày đánh bắt thôi. Ra tới ngư trường đã mất 100 lít rồi, khi trên tàu còn lại 200 lít phải lo quay đầu vào như vậy phải tính toán rất chật vật”.
Theo tính toán của anh Phong, và nhiều ngư dân thì có một thực tế sau khi giá dầu tăng, chi phí đi biển tăng theo từ từ 30% đến 40%, nhưng giá hải sản vẫn chưa tăng được bao nhiêu. Giá bán hải sản tại cảng vẫn do chủ “nậu” quyết định và cũng chỉ tăng hơn trước khoảng từ 10% đến 15%, nên sau mỗi chuyến biển tính ra thu nhập của cả chủ tàu lẫn bạn cũng chẳng được là bao. Nếu không biết tính toán hợp lý thì bị lỗ nặng.
Khắc phục khó khăn để bám biển
Khó khăn là thế nhưng dân biển vốn đã quen nghề. Để chuyển đổi nghề phù hợp có tính chất ổn định lâu dài là điều không hề dễ. Chính vì thế, không ít ngư dân lại tiếp tục tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn bám biển mưu sinh. Nhằm tiết kiệm nhiên liệu và chi phí đi biển, nhiều tàu cá ở tỉnh ta đã trang bị máy tầm ngư để thăm dò luống cá dưới biển, hạn chế sự di chuyển để tìm nơi đánh bắt; đầu tư máy bung lưới, qua đó giảm sức người, bớt lượng bạn đi biển trên mỗi tàu cá. Nếu như trước đây mỗi tàu cá thông thường có 15 lao động thì nay các tàu đều “giảm biên chế” chỉ còn giữ lại 10 - 12 người, chấp nhận làm nặng nhọc hơn để đảm bảo thu nhập. Không những thế, trong quá trình chờ kéo lưới, ngư dân cũng tranh thủ câu mực, câu cá thu vào ban đêm để tăng thêm thu nhập.
Theo Chi cục Quản lý chuyên ngành thủy sản thì: Khi giá dầu tăng, ngư dân phải tính toán kỹ hơn cho mỗi chuyến ra khơi, giảm các chi phí phát sinh không cần thiết. Trong đó, chú trọng nắm bắt thông tin ngư trường khi biết có cá mới cho tàu ra khơi chứ không bám biển tìm cá nữa. Để tiết kiệm chi phí, các địa phương đều tự thành lập tổ, đội sản xuất liên kết từ 3-5 tàu, sau 1 đêm đánh bắt nếu lượng hải sản thu được ít thì cả đội tàu dồn qua cho một chiếc chạy vào bờ bán và mang các nhu yếu phẩm thiết yếu ra “chi viện” tiếp tục đánh bắt. Bên cạnh đó, hiện nay ở các cảng cá Đông Hải, Ninh Chử, Mỹ Tân đều có đội tàu thu mua hải sản trên biển với tổng số lượng gần 30 chiếc. Ngoài việc thu mua hải sản, các tàu dịch vụ còn cung cấp đá và thực phẩm cho các tàu thuyền trong quá trình đánh bắt trên biển khi cần thiết nhằm giảm bớt chi phí đi ra, đi vào tốn kém.
Anh Lê Hoàng Phong, chủ tàu dịch vụ nghề cá cảng Đông hải cho biết: “Dịch vụ này tuy có từ trước nhưng lâu nay chỉ có tàu ngoài tỉnh mới có nhu cầu, còn tàu địa phương có đánh được một vài tấn vẫn chạy vào bờ thì nay để tiết kiệm chi phí thì tàu trong tỉnh vẫn liên hệ trao đổi. Tuy giá bán trên biển có thấp hơn nhưng so ra vẫn lợi hơn do đỡ tốn kém tiền dầu”.
Trước khó khăn của việc giá dầu tăng, sự khắc phục khó khăn của ngư dân là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt còn lâu dài để ổn định phát triển nghề cá, phát huy thế mạnh nguồn lợi từ biển thì rất cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân, nhất là khi giá xăng dầu tăng cao. Hy vọng rằng với tinh thần khắc phục khó khăn bám biển, vụ cá Nam năm nay, ngư dân tỉnh ta sẽ có được những chuyển biển thuận lợi và hiệu quả.
Ngũ Anh Tuấn