Bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện luôn giữ tâm thế vững vàng, nỗ lực sát cánh cùng cả hệ thống chính trị đang căng mình trong cuộc chiến chống đại dich COVID-19.
Bệnh viện dã chiến tỉnh Ninh Thuận đặt tại Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ
BVDC tỉnh đứng chân trên địa bàn huyện Thuận Nam nhằm hỗ trợ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 của huyện Ninh Phước và Thuận Nam. Bệnh viện được thành lập theo Quyết định số 355/QĐ-UBND ngày 23-7-2021 của UBND tỉnh trên cơ sở trưng dụng cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa Thuận Nam, có đầu tư cải tạo thành Bệnh viện dã chiến theo quy định của Bộ Y tế.
Bác sĩ Lê Huy Thạch, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện có quy mô 200 giường, đến nay đã bố trí 171 giường bệnh, có 8 khu chuyên môn, 3 khu cách ly, điều trị và 1 khu cách ly chờ ra viện với tổng số nhân lực 116 người; trong đó cán bộ, nhân viên y tế có 64 người đến từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Thuận Nam; còn lại là lực lượng quân đội, công an làm công tác bảo đảm an toàn và hậu cần cho nhân viên, bệnh nhân. Đến nay, sau 25 ngày đi vào hoạt động, BVDC tỉnh đã thu dung, điều trị 204 bệnh nhân mắc COVID-19; làm thủ tục và chuyển viện cho 16 bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao; đồng thời điều trị khỏi và hoàn tất thủ tục xuất viện cho 94 trường hợp bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định. Tính đến thời điểm 7 giờ ngày 18-8, Bệnh viện đang điều trị cách ly cho 98 bệnh nhân F0 và 5 bệnh nhân F1 (trường hợp mẹ theo con để chăm sóc trẻ bị nhiễm COVID-19).
Có dịp trải qua một ngày làm việc cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế BVDC tỉnh mới thấu hết nỗi vất vả của những “chiến binh áo trắng” nơi đây. Mỗi bộ phận một nhiệm vụ, từ vòng ngoài cho đến ê-kíp trực tiếp tham gia công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân bên trong khu cách ly, ai nấy cũng khẩn trương làm việc với khí thế “giải quyết hết ca bệnh chứ không hết giờ”. Các y, bác sĩ trong khu điều trị cách ly là vất vả và áp lực nhất. Mỗi ngày của họ đều đặn với guồng quay thăm khám cho các bệnh nhân F0, tiếp nhận những ca bệnh mới, hội chẩn để đưa ra phương án điều trị thích hợp cho từng ca bệnh... Họ làm việc theo ca 24 giờ và xuyên suốt 7 ngày; cứ sau 7 ngày thì xuống ca trực, cách ly tại khu vực riêng và 7 ngày sau lại tiếp tục vào ca.
Các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh đã khỏi bệnh, chuẩn bị trở về nhà.
Bác sĩ CK1. Lê Thị Kim Viên chia sẻ: Có những thời điểm trong ngày chúng tôi tiếp nhận hơn 50 ca F0, từ bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp trong khu điều trị cho đến cán bộ, nhân viên y tế vòng ngoài, nhân viên hành chính và lực lượng bảo đảm hậu cần đều tăng ca túc trực nhận bệnh, sàng lọc, phân luồng, chuyển bệnh, cung cấp vật tư, thuốc men, thức ăn, nước uống... cho bệnh nhân. Dịch bệnh không chậm trễ được, làm việc quên cả đói nên nhiều khi bữa trưa toàn ăn vào giờ chiều. Dù vậy, tinh thần chung của các y, bác sĩ, nhân viên y tế và các cộng sự ở BVDC là luôn bình tĩnh, vững vàng và quyết tâm cao, không lơ là, chủ quan vì tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tranh thủ giải lao sau một lượt thăm, khám cho bệnh nhân COVID-19 trong khu điều trị cách ly, cử nhân Lâm Văn Chí dành cho chúng tôi ít phút trao đổi qua điện thoại. Anh Chí cho biết, trước khi nhận nhiệm vụ ở BVDC thì anh đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh với chuyên khoa Phục hồi chức năng. Sát cánh cùng các đồng nghiệp từ những ngày đầu Bệnh viện đi vào hoạt động, đến nay cũng gần một tháng. Hằng ngày, anh và các điều dưỡng trong kíp trực có nhiệm vụ theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, cấp thuốc và kịp thời báo cáo tình hình cho bác sĩ điều trị và Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện hội chẩn những trường hợp diễn tiến nặng. Đặc thù của bệnh nhân nhiễm COVID-19 là không có người nhà chăm sóc nên anh Chí và các điều dưỡng ở đây kiêm luôn “người thân” chăm lo từng bữa ăn, nước uống cho bệnh nhân, động viên, chia sẻ, giải tỏa tâm lý để họ yên tâm điều trị. Có những ngày áp lực ca F0 tăng, áp lực khi có bệnh nhân trở nặng phải hồi sức cấp cứu rồi chuyển tuyến, anh và đồng nghiệp chỉ biết động viên lẫn nhau, sốc lại tinh thần để tiếp tục dốc hết sức lực tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn. Những ngày gần đây, số bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi và ra viện ngày càng nhiều nên anh cũng như cán bộ, nhân viên y tế BVDC tỉnh cảm thấy đôi chút nhẹ nhõm, có thêm động lực để tiếp tục làm việc.
Hình ảnh những “chiến binh” khoác trên mình bộ đồ bảo hộ xanh tự tay xách hành lý cho bệnh nhân, dặn dò bệnh nhân cách phòng bệnh sau khi đã điều trị khỏi và xuất viện trở về địa phương. Rồi cũng ngay sau đó, lại chính các anh, chị nhận bệnh, tiếp tục hỗ trợ đưa họ về khu điều trị... chúng tôi không khỏi cảm phục! Nói về công việc của mình và những đồng nghiệp ở BVDC tỉnh, bác sĩ Lê Huy Thạch bộc bạch: Cán bộ, nhân viên y tế chúng tôi xác định phải dấn thân để cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Vì thế, chúng tôi đã làm việc không kể ngày đêm, nhiều lúc quên ăn, quên ngủ và chấp nhận xa gia đình chỉ với mong muốn dịch COVID-19 sớm được đẩy lùi, sức khỏe người dân được đảm bảo và nhịp sống xã hội sẽ sớm bình thường trở lại...
Diễm My