Nâng cao hiệu quả liên kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các trường đại học

(NTO) Giáo dục đại học nói chung và giáo dục đại học ở các ngành kỹ thuật, công nghệ ứng dụng nói riêng có tính đặc thù cao. Một trong những đặc thù đó là đòi hỏi người giảng dạy đồng thời là nhà khoa học, nhà chuyên môn có trình độ cao, gắn bó với nghiên cứu khoa học. Do vậy, các trường đại học luôn có nhu cầu liên kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các địa phương.

Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cũng như các tỉnh khác, luôn nhận thức được tầm quan trọng của các trường đại học trong liên kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với địa phương do các trường có ưu thế ở đội ngũ giảng viên có trình độ khoa học, công nghệ cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ,..) có kinh nghiệm triển khai nhiều đề tài, dự án cấp nhà nước và lực lượng sinh viên đông đảo, năng động, ham hiểu biết và thực nghiệm. Hơn nữa đây còn là nguồn của các thông tin, kết quả nghiên cứu, thành tựu khoa học, công nghệ trong và ngoài nước,... Thời gian qua, Sở KH&CN Ninh Thuận cùng với các trường: Đại học công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh, Đại học Nông lâm Tp.Hồ Chí Minh,... đã có liên kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và đạt được kết quả tốt, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Cô và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.
Ảnh: Sơn Ngọc

Việc liên kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học với Sở KH&CN các tỉnh là nhu cầu cấp thiết của cả đôi bên. Từ thực tế và mong muốn nâng cao hiệu quả mối liên kết này, Lãnh đạo ngành khoa học và công nghệ Ninh Thuận đã có ý kiến về các giải pháp nêu trên tại Hội nghị liên kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ chí Minh tổ chức vào tháng 03 vừa qua.

Nhằm nâng cao hiệu quả liên kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa Sở KH&CN với các trường đại học, các bên liên quan cần tăng cường công tác trao đổi thông tin. Cụ thể, các trường cần cập nhật và công khai các thông tin trên website của trường về kết quả triển khai các đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh; kết quả những nghiên cứu, thành tựu về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước. Còn các tỉnh sẽ cung cấp các thông tin về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và nhu cầu liên kết phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thông qua các hình thức như thông tin trên website của tỉnh, của Sở KH&CN.

Bên cạnh đó Sở KH&CN cần tích cực chủ động liên kết với các trường thông qua việc gởi thông tin “đặt hàng” các đề tài khoa học cần nghiên cứu, các công nghệ cần chuyển giao. Đầu năm 2011, Sở KH&CN Ninh Thuận đã gởi “đặt hàng” cho các trường và đã nhận sự phản hồi, đăng ký hợp tác liên kết rất nhiều đề tài, dự án từ các trường. Qua đó, các trường sẽ nắm bắt những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và nhu cầu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các địa phương một cách tích cự hơn để chủ động nghiên cứu trước, có kết quả - thực hiện chuyển giao cho địa phương, rút ngắn được thời gian sớm đưa khoa học, công nghệ mới vào ứng dụng trong sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, công tác liên kết này vẫn còn một số tồn tại cần nhìn nhận đúng để khắc phục. Việc sử dụng các đề tài, dự án đã nghiên cứu thành công (có chủ sở hữu) tiếp tục triển khai nghiên cứu ở địa phương khác như là một đề tài, dự án mới nên được hạn chế tối đa. Nếu không sẽ dẫn đến tranh chấp đăng ký quyền sáng tạo và sở hữu trí tuệ giữa chủ sở hữu đối với đề tài, dự án này và Sở KH&CN. Do đó, các trường cần công khai các thông tin trên website của trường về kết quả triển khai các đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh, nên tránh đăng ký thực hiện quá nhiều đề tài, dự án cho một Chủ nhiệm và nên tránh kéo dài thời gian hoàn thành đề tài, dự án. Thời gian hoàn thành đề tài, dự án chậm từ 3 – 6 tháng có thể chấp nhận được, còn chậm đến 2- 3 năm khó nghiệm thu được. Thực tế xảy ra – Chủ nhiệm đề tài, dự án đứng tên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ,... nhưng do phải thực hiện quá nhiều đề tài, dự án nên chủ nhiệm có ít thời gian để quan tâm và giao lại cho sinh viên thực hiện, kết quả chắc chắn sẽ hạn chế.

Để khắc phục, các Sở KH&CN tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Chủ nhiệm đề tài, dự án của trường hoàn thành nhiệm vụ. Đó là : Cung cấp thông tin về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và nhu cầu liên kết phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và “đặt hàng” các đề tài khoa học cần nghiên cứu, các công nghệ cần chuyển giao cho các trường; Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học các đề tài, dự án. Thực tế, theo trình tự thủ tục hành chính quy định hiện nay trong nghiên cứu khoa học còn nhiều bất cập, mất nhiều thời gian (từ lúc đăng ký đến khi ký hợp đồng – không dưới 9 tháng). Các Sở cần nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh áp dụng cơ chế phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ cho Giám đốc Sở KH&CN; Hỗ trợ và tạo thuận lợi cho Chủ nhiệm đề tài về mọi mặt như : áp dụng cơ chế khoán kinh phí tài chính khi thực hiện các đề tài, dự án có sử dụng Ngân sách nhà nước; Hỗ trợ khảo sát thực địa, cung cấp thông tin liên quan đề tài, dự án của địa phương; Hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, quy trình công nghệ,...

Nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chúng ta thấy có chỉ tiêu : Giá trị sản phẩm công nghệ cao hoặc sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 35% GDP vào năm 2015 và đạt 45% GDP vào năm 2020 (hiện nay giá trị này khoản 9-10% GDP). Qua đó, định hướng của Đảng, Nhà nước là tập trung nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hàm lượng “chất xám” trong sản phẩm,... Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất và đời sống là nhu cầu cấp thiết, vì vậy việc liên kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa Sở KH&CN với các trường đại học cần được đặc biệt quan tâm xem xét, đánh giá mặt được, mặt chưa được, rút kinh nghiệm để hợp tác liên kết ngày càng tốt hơn.