Dự thảo đề án nhằm xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh theo hướng nhanh, bền vững. Trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, điện khí, cảng biển tổng hợp, dịch vụ cảng, du lịch và dịch vụ biển đẳng cấp. Trong đó, đề án có phạm vi nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, điều kiện tự nhiên của 1 thị trấn, 10 xã thuộc hai huyện Thuận Nam và Ninh Phước.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tọa đàm phản biện dự thảo
Đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá dự thảo Đề án có nội dung rõ ràng, bố cục cụ thể, tuy nhiên cần bổ sung và điều chỉnh một số vấn đề như: Xác định rõ các yếu tố, lĩnh vực tạo bức phá để tập trung đầu tư phát triển; dự trù các nguồn lực, ngân sách nhà nước và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vùng kinh tế phía Nam; xây dựng thêm các phương án, kịch bản dự phòng trong nhiều bối cảnh phát triển KT-XH; nêu tính tác động của vùng kinh tế phía Nam đến các địa phương lân cận trong tỉnh...
* Chiều cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục buổi tọa đàm phản biện về dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tọa đàm phản biện
về dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XIII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, cơ hội đầu tư, kinh doanh; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, qua đó tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh giai đoạn mới, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế, do đó dự thảo chỉ thị được xây dựng với những nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục duy trì những chỉ số thành phần của PCI có thứ hạng cao và cải thiện, tăng điểm đối với những chỉ số thấp điểm; phấn đấu ổn định và nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
Các chuyên gia, thành viên tiếp tục góp ý, làm rõ một số vấn đề như: Nghiên cứu, bổ sung một số nhiệm vụ nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp trong tham gia đánh giá, phản ánh chỉ số PCI; tăng cường công tác thanh tra hành chính, công vụ, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; gắn trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong duy trì chỉ số thành phần PCI.
Kết luận các buổi tọa đàm, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tâm huyết từ các chuyên gia và các thành viên đối với các dự thảo. Đồng thời, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến, sau đó điều chỉnh, bổ sung để các Đề án, Chỉ thị khi được ban hành, triển khai sẽ phát huy tính hiệu quả ở thực tiễn cũng như tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân.
Lê Thi