Chị Đạo Thị Ni, Cộng tác viên nhiệt tình, năng nổ

(NTO) Về xã An Hải (Ninh Phước), chúng tôi được các chị trong Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã giới thiệu chị Đạo Thị Ni, dân tộc Chăm ở thôn Tuấn Tú là người phụ nữ rất nhiệt tình với công tác xã hội địa phương. Ngoài nhiệm vụ Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, hiện chị Ni còn được giao phụ trách nhóm “Lồng ghép truyền thông Dân số/SKSS/Tín dụng tiết kiệm gắn với bình đẳng giới” của thôn Tuấn Tú.

Từ khi trở thành cộng tác viên của Dự án, chị Ni đã phát huy những thế mạnh của mình, ngoài việc thường xuyên đến nhà đối tượng để tuyên truyền trực tiếp, chị còn lồng ghép tuyên truyền, vận động thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt tổ, nhóm của Hội phụ nữ. Chính thông qua những buổi tiếp xúc, gặp gỡ đó chị có điều kiện gần gũi để giải thích lợi ích của việc chăm sóc SKSS cho chị em hiểu, cũng như cấp phát các tài liệu như: tờ rơi hướng dẫn về chăm sóc SKSS, thuốc tránh thai, bao cao su,...đến tận tay cho từng người. Bên cạnh đó, hàng quý chị còn phối hợp cùng Trạm y tế xã đưa các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến những đối tượng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Đây không chỉ là điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong thôn tiếp cận thông tin về chăm sóc SKSS/KHHGĐ mà chị em còn được các y, bác sĩ chuyên khoa khám, điều trị các bệnh phụ khoa.

Chính nhờ công tác tuyên truyền, vận động của chị Ni nên đến nay nhận thức của người dân thôn Tuấn Tú về chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã được nâng lên rất nhiều. Tỷ lệ các cặp vợ chồng đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai ngày một tăng. Trong số 45 chị tham gia nhóm “Lồng ghép truyền thông Dân số/SKSS/Tín dụng tiết kiệm gắn với bình đẳng giới” do chị Ni quản lý, khi được hỏi đa số đều cho biết, họ đã tự ý thức KHHGĐ bằng nhiều biện pháp tránh thai khác nhau. Khi mang thai đều biết đến Trạm y tế để khám định kỳ đầy đủ, được chăm sóc bà mẹ, thai nhi, nhờ vậy tỷ lệ tử vong mẹ và con trong khi sinh ở địa phương đã giảm đáng kể.

Tuy công việc khá bận rộn, nhưng điều đáng quý là khi chia sẻ với chúng tôi, chị Ni không hề nhắc tới khó khăn mà luôn nói nhiều về niềm vui trong công việc. Chị bảo, thấy chị em của mình ngày càng nâng cao nhận thức và biết cách chăm sóc SKSS, thực hiện đẻ ít, đẻ thưa, học hỏi nhau làm ăn phát triển kinh tế là thấy những đóng góp của mình có ý nghĩa. Vì vậy, trong thời gian tới, mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để chuyển tải những thông tin về chăm sóc SKSS cũng như kinh nghiệm làm ăn, giúp cho chị em hội viên vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc.