(NTO) Chiến dịch Tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS)/KHHGĐ) năm 2011, được tỉnh ta triển khai 2 đợt, tại 29 xã của 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Đợt 1, bắt đầu từ ngày 24-5 đến 24-6; đợt 2 từ ngày 2-8 đến 2-9.
Ngày 4-5-2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1713/KH-UBND về Kế hoạch triển khai Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến 29 xã đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn năm 2011”. Mục tiêu trong chiến dịch huy động các cấp, các ngành, các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS/KHHGĐ và thực hiện chỉ tiêu công tác Dân số - KHHGĐ năm 2011.
Trên cơ sở tăng cường các hoạt động thường xuyên của công tác Dân số - KHHGĐ để đảm bảo tính bền vững của chương trình, hoạt động truyền thông vận động trong chiến dịch cần bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp từng vùng, từng đối tượng, đồng bộ với hoạt động cung ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ.
Chỉ tiêu chiến dịch năm nay, phấn đấu đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu biện pháp KHHGĐ: Triệt sản đạt 60% chỉ tiêu kế hoạch năm, dụng cụ tử cung đạt 75% kế hoạch năm, thuốc tiêm- thuốc cấy tránh thai đạt 60% kế hoạch năm. Thuốc uống và bao cao su vận động thực hiện thường xuyên. Khám và điều trị bệnh nhiễm khuẩn thông thường cho 90% đối tượng đăng ký sử dụng biện pháp KHHGĐ, phát hiện mắc bệnh phụ khoa tại các xã, phường, thị trấn trong chiến dịch; 100% xã có đồng bào dân tộc Chăm, mức sinh cao, khó khăn, vùng sâu, vùng xa và 90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về sức khỏe sinh sản/KHHGĐ.
Trong chiến dịch đảm bảo cung cấp đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, dụng cụ, thuốc thiết yếu… để các cơ sở và đơn vị thực hiện dịch vụ kỹ thuật triệt sản, dụng cụ tử cung, thuốc cấy, thuốc tiêm, thuốc uống có chất lượng cao tại địa bàn có nhu cầu. Cung cấp gói dịch vụ chống viêm nhiễm đường sinh sản: Khám, tư vấn, điều trị chuyển tuyến cho những người mắc bệnh đường sinh sản; tổ chức khám phụ khoa để phát hiện, quản lý bệnh và tư vấn điều trị. Đồng thời điều trị, chuyển tuyến với các trường hợp nặng mà gia đình và y tế cơ sở trước đây không có điều kiện giải quyết bệnh.
Triển khai các hoạt động truyền thông đại chúng, tuyên truyền vận động tư vấn trực tiếp đối với các đối tượng được hưởng lợi có đầy đủ thông tin cần thiết, phù hợp về các biện pháp tránh thai, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản để đối tượng chủ động chấp nhận, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc thai nghén, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, thực hiện tốt 10 quyền khách hàng.
Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu tại những địa bàn triển khai, sơ kết và tổng kết từng đợt chiến dịch.
Ngoài ra ngành Dân số - KHHGĐ các cấp phối hợp với các Ban ngành đoàn thể tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia chiến dịch; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rol, cấp tờ bướm, tổ chức lễ phát động ra quân chiến dịch….Cộng tác viên dân số cơ sở trực tiếp truyền thông tư vấn đến từng hộ gia đình, tổ chức các cuộc sinh hoạt nhóm và lồng ghép với sinh hoạt các câu lạc bộ, tổ nhóm, sinh hoạt khu dân cư.
Thanh Toàn