* Giá vàng sáng 20/7 biến động nhẹ
Sáng 20/7, giá vàng trong nước được các công ty tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ.
Mở cửa phiên giao dịch, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,90 - 57,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá so với ngày hôm qua.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC lại tăng nhẹ 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày hôm qua, ở mức 56,95 - 57,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
* Tỷ giá trung tâm sáng 20/7 tăng 15 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 20/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.207 VND/USD, tăng 15 đồng so với ngày hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.903 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.510 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại sáng nay, giá USD tăng nhẹ trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank tăng nhẹ khoảng 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với ngày hôm qua, niêm yết ở mức 22.890 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.475 - 3.621 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 16 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
* Giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên 19/7
Giá dầu thế giới phiên 19/7 đã có ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2021, với thỏa thuận tăng sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác làm dấy lên lo ngại về thặng dư nguồn cung trong khi số ca mắc COVID-19 gia tăng một lần nữa "đe dọa" ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu năng lượng.
Phiên này, giá dầu Brent chốt ở mức 68,62 USD/thùng, sau khi giảm 4,97 USD (tương đương 6,8%).
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2021 hết hạn vào thứ Ba (20/7) chốt ở mức 66,42 USD/thùng, lùi 5,39 USD (7,5%). Giá dầu WTI giao tháng 9/2021 cũng để mất 5,21 USD xuống 66,35 USD/thùng.
* Bách Hóa Xanh điều chỉnh cung ứng hàng hóa tươi sống, không tăng giá trong giai đoạn dịch
Tối ngày 19/7, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh (Bách Hóa Xanh) đã thông báo đến khách hàng và cổ đông công ty về những định hướng kiểm soát giá bán hàng hóa tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Theo đó, Bách Hóa Xanh sẽ điều chỉnh cung ứng hàng hóa tươi sống trong giai đoạn dịch COVID-19 để đảm bảo giá bán không tăng lên.
Giá cả các mặt hàng được nhân viên niêm yết trên kệ. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Cụ thể, Bách Hóa Xanh dự kiến tăng thêm mã sản phẩm trong danh mục hàng hóa thiết yếu cam kết giữ giá bán cố định đăng ký với Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh. Đồng thời, bán hàng có giới hạn số lượng để bảo đảm nhiều người mua được hàng và tránh tình trạng “đầu cơ – thu gom sỉ”. Bách Hóa Xanh cũng nỗ lực cao nhất để làm việc với nhà cung cấp để giữ giá mua vào không tăng lên bất hợp lý; tiếp tục tăng sản lượng mua và giữ giá bán không tăng để phục vụ người tiêu dùng đủ sản lượng dồi dào.
Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, đối với trường hợp sản phẩm có giá mua vào tăng bất hợp lý, Bách Hóa Xanh sẽ chuyển hướng mua những sản phẩm thay thế khác hoặc nhanh chóng tìm kiếm nhà cung cấp, vùng trồng mới... để giảm áp lực cung ứng. Điển hình, Bách Hóa Xanh dự kiến mua hàng rau củ từ khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ... cung cấp thêm cho Tp. Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu sản lượng cho người tiêu dùng.
Trong trường hợp mọi giải pháp kiểm soát giá mua vào không mang lại kết quả, Bách Hóa Xanh sẽ chủ động giảm sản lượng hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn một số mặt hàng cho đến khi giá mua vào quay về mức hợp lý (không mua bằng mọi giá). Cùng với đó, Bách Hóa Xanh sẽ kịp thời thông tin rõ ràng lý do đứt hàng vì giá mua vào tăng cao đến khách hàng.
Ngoài các thay đổi về cung ứng mua hàng nêu trên, Bách Hóa Xanh còn thiết lập nhiều trung tâm phân phối hàng tươi sống cơ động trước chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh lớn và dùng xe máy trung chuyển đến cửa hàng Bách Hóa Xanh khác để đáp ứng nhu cầu tăng tải. Song song đó, Bách Hóa Xanh mở 35 điểm bán xuyên đêm phục vụ 24/24; chuẩn bị đưa nhu yếu phẩm về bán tại tất cả cửa hàng của chuỗi nhà thuốc An Khang.
Bách Hóa Xanh dự kiến điều động hơn 3.000 nhân sự từ chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh qua làm việc tại cửa hàng Bách Hóa Xanh. Cùng với đó, tăng cường tối đa hoạt động bán hàng online để áp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bách Hóa Xanh đang tìm mọi cách để tăng sản lượng và kiểm soát giá bán trong bối cảnh giá mua vào và chi phí toàn chuỗi cung ứng tăng.
* Tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19
Ngày 19/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản số 5028/TCĐBVN-TC về việc tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.
Thời gian tạm dừng thu phí từ 0 giờ ngày 20/7/2021 đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam bố trí nhân lực bảo vệ thiết bị và tài sản trạm thu phí, đảm bảo an toàn giao thông khu vực trạm thu phí. Có phương án để kịp thời tổ chức thu phí trở lại ngay sau khi hết thời gian giãn cách.
* Công ty Khí Messer sẵn sàng đáp ứng 1.600 m3 khí oxy/ngày phòng, chống dịch COVID-19
Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam (Công ty Khí Messer) tại số 21, đường số 3, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore –VSIP1 ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Công ty Khí Messer với có dây chuyền sản xuất hiện đại được đầu tư trên 6 triệu USD đạt công suất cung ứng cho thị trường khoảng 1.600 m3 khí oxy. Dự kiến, công ty có thể nâng cao năng lực sản xuất 2.500 m3 - 3.000 m3 khí oxy/ngày để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của tỉnh và các vùng phụ cận.
Giám đốc sản xuất Công ty Khí Messer Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện công ty có 65 người là công nhân viên, người lao động tham gia “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất các loại khí nén. Công ty đề cao ưu tiên sản xuất khí oxy hỗ trợ ngành y tế tỉnh Bình Dương phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và điều trị bệnh nhân.
Theo tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Bình Dương, tính đến trưa ngày 19/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.859 ca mắc COVID-19; trong đó, có 8 ca bệnh tử vong. Bình Dương có 196 trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh và đã cho xuất viện về nhà.
Hiện, trên địa bàn Bình Dương có 9 khu điều trị bệnh nhân COVID-19.
* Đồng Nai thu về 10.300 tỷ đồng từ đấu giá gần 60 khu đất "vàng"
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết đã đưa ra đấu giá gần 60 khu đất "vàng" với diện tích khoảng 329 ha từ năm 2014 đến nay. Tổng số tiền thu được từ những lô đất này khoảng 10.300 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2020 đấu giá thành công 4 khu đất có diện tích 45 ha, thu về khoảng 2.935 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 13 khu đất diện tích gần 31 ha không tổ chức đấu giá được, vì không có người tham gia nên tiếp tục chuyển đấu giá trong năm 2021
Trước đó, năm 2019, Đồng Nai thu 6.318 tỷ đồng nhờ đấu giá 8 khu đất "vàng", còn những năm trước nữa thì chỉ thu được vài chục đến vài trăm tỷ đồng/năm từ đấu giá đất.
* Đức tiêu tốn hàng tỷ euro tái thiết đường sá sau thảm hoạ thiên tai
Chi phí tái thiết khu vực bị ảnh hưởng trong trận mưa lũ vừa qua ở các vùng Tây Đức sẽ lên tới hàng tỷ euro, trong đó riêng chi phí xây dựng lại hệ thống đường sắt và đường bộ đã tiêu tốn khoảng 2 tỷ euro. Đây là ước tính sơ bộ của Chính phủ Đức được truyền thông nước này đưa tin ngày 19/7.
Những trận mưa lớn liên tiếp đã khiến mực nước sông Ahr dâng cao tràn bờ và huyện Ahrweiler thuộc bang Rheinland-Pfalz (nơi có dòng sông chảy qua) là một trong những nơi phải hứng chịu thiệt hại lớn nhất, riêng tại đây có 117 người thiệt mạng trong khi vẫn còn khoảng 170 người mất tích. Chính quyền huyện Ahrweiler khuyến cáo người dân sinh sống ở hai bờ sông Ahr không nên sử dụng nước trên sông Ahr để giặt giũ và hay uống, bởi nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng do dầu sưởi, nước thải, bùn và rác. Mưa lũ cũng làm 47 người ở bang Nordrhein-Westfalen và 2 người ở bang Bayern thiệt mạng. Ngoài ra, khoảng 750 người bị thương và 30.000 người vẫn chưa có điện sinh hoạt. Không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, mưa lũ còn phá huỷ nhiều công trình cầu đường, nhà cửa và hệ thống công cộng. Nhiều tập đoàn và công ty, như nhà cung cấp phụ tùng xe hơi ZF, tập đoàn năng lượng RWE và công ty tái chế đồng Aurubis phải ngừng hoặc giảm sản xuất do lũ lụt.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cho biết Đức sẽ nhanh chóng xây dựng một quỹ tái thiết và sẽ được triển khai ngay sau khi đánh giá được con số thiệt hại. Các nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết riêng việc xây dựng lại hệ thống đường bộ và đường sắt tại các khu vực bị ảnh hưởng đã tiêu tốn khoảng 2 tỷ euro (2,3 tỷ USD), trong đó việc sửa lại hệ thống đường sắt mất khoảng 1,3 tỷ euro. Bộ Giao thông liên bang Đức cho biết nhiều con đường, cây cầu, đường sắt và cột viễn thông đã bị phá hủy và cần phải được sửa chữa ngay lập tức. Các nhóm đặc trách sẽ đánh giá thiệt hại đối với hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để có ước định cụ thể.
PB (Tổng hợp)