* Giá vàng có triển vọng gia tăng trong dài hạn
Giá vàng trong nước tính chung cả tuần không đổi, giao dịch ở mức 57,52 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, trong khi giá vàng thế giới tiếp tục ghi nhận tuần tăng thứ 4.
Chốt phiên cuối tuần 17/7, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,85 - 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng nhẹ từ ngày 12-14/7. Sang sáng 15/7, giá vàng bật tăng mạnh 220.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, đến sáng 16/7, các doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh giảm giá vàng, với mức điều chỉnh 100.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm khi chốt phiên 16/7 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York do sức ép từ lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng nhẹ và đồng USD mạnh lên. Tuy vậy, giá vàng thế giới vẫn ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp.
Giá vàng giao tháng 8 được giao dịch nhiều nhất chốt phiên cuối tuần giảm 14 USD, tương đương 0,8%, xuống 1.815 USD/ounce, sau khi khép phiên 15/7 ở mức cao nhất trong gần một tháng.
* Thị trường hàng hoá ổn định, vận chuyển lưu thông được cải thiện
Thông tin nhanh từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cho biết, tính đến trưa ngày 17/7, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đã được cải thiện, nguồn hàng cung ứng ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên trong siêu thị Co.opXtra thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh hàng hóa đầy ắp trên quầy kệ. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh, theo Tổng cục Quản lý thị trường, sau 2 ngày sức mua hàng tăng cao do tin đồn phong tỏa toàn thành phố, từ trưa ngày 16/7, lượng người đến siêu thị mua sắm giảm mạnh. Ngày 17/7, lượng khách hàng thưa thớt, các siêu thị không còn phát phiếu hẹn giờ vào siêu thị.
Theo ghi nhận, các siêu thị, hệ thống bán lẻ đều thực hiện nghiêm quy tắc phòng, chống dịch 5K. Nguồn hàng được bổ sung liên tục, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, trong chiều 16/7, có vài khu vực hết rau xanh cục bộ, nguyên nhân là do trước đó, trong ngày 14 và 15/7, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ nên nhiều siêu thị, cửa hàng chưa kịp bổ sung nguồn hàng.
Trong ngày 17/7, một số chợ truyền thống đã mở quầy bán rau, củ, quả… mặc dù TP Hồ Chí Minh chưa chính thức cho mở cửa. Thông tin từ Sở Công Thương Thành phố cũng cho biết, đơn vị này đang vận động nhiều doanh nghiệp tham gia mở nhiều điểm bán lẻ thực phẩm tươi sống và thí điểm 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cho phép một số hộ mở lại mua bán rau, củ, quả, thịt.
Đáng chú ý, trong ngày, việc vận chuyển thực phẩm tươi sống vào TP Hồ Chí Minh được thuận lợi hơn. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường còn phát hiện, giá một số mặt hàng thiết yếu như trứng gà, trứng vịt… bán bên ngoài siêu thị có giá khá cao, từ 35.000-45.000 đồng/10 trứng, cá biệt có một số người lén lút bán 55.000 đồng/10 trứng gà.
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, ngay trong chiều 16/7, sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng giá nhiều mặt hàng trong dịch COVID-19 các Đội Quản lý thị trường của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã lập tức tiến hành kiểm tra và làm việc với 75/641 cửa hàng tại các địa bàn quận 1, quận 3, quận 5, quận 7, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh.
Ghi nhận của lực lượng quản lý thị trường cho thấy, nhìn chung hàng hóa tại các cửa hàng dồi dào, thực hiện niêm yết giá bán theo quy định.
* Quỹ phòng, chống COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận hơn 1 nghìn tỷ
Tối 17/7/2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố cho biết, tính từ ngày 20/3/2020 đến ngày 17/7/2021, Quỹ phòng, chống COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 1 nghìn tỷ đồng tiền mặt, hàng hóa, thiết bị từ các tập thể, cá nhân, địa phương và đã kịp thời phân phối gần 882 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống COVID-19.
* Phú Yên áp dụng đi chợ mua hàng bằng phiếu từ 16/7
Để hạn chế dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ cho người dân.
Việc đi chợ truyền thống tại các địa phương sẽ thực hiện theo phương án: mỗi hộ gia đình cứ 3 ngày đi chợ 1 lần; mỗi hộ gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ trong 15 ngày. Thẻ vào chợ có giá trị sử dụng 1 lần/chợ bất kỳ trên địa bàn.
Thẻ vào chợ sẽ được phát đầy đủ cho các hộ gia đình; học sinh, sinh viên, người lao động thuê nhà trên địa bàn toàn tỉnh. UBND các xã, phường, thị trấn quy định ngày vào chợ và cấp Thẻ vào chợ, đảm bảo cứ 3 ngày thì đi chợ 1 lần; luân phiên giữa các hộ gia đình. Dự kiến áp dụng từ ngày 16/7/2021 (có thể sớm hơn tùy theo tình hình thực tế các huyện, thị xã, thành phố) cho đến khi có thông báo mới.
Về phòng dịch tại chợ sẽ được tăng cường lực lượng kiểm soát tại các chợ, bố trí nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt tại lối vào chợ. Người bán và người người mua hàng phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m, đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ.
Tiểu thương chỉ được buôn bán trong chợ những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, rau, củ quả… và phải có xác nhận kinh doanh. Định kỳ hàng tuần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Trước đó, từ 16 giờ ngày 28/6, thành phố Tuy Hòa đã tạm dừng hoạt động của nhiều chợ vì liên quan đến các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 như: chợ đầu mối Tuy Hòa và các chợ phường 7, Tân Hiệp, Hầm nước, chợ Màng Màng…
Thành phố Tuy Hòa đã bố trí 10 điểm xa khu dân cư để tổ chức chợ tạm cung ứng thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, có nhiều điểm bán hàng tự phát; tiểu thương và người dân đi chợ không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
* Công khai đường dây nóng 23 tỉnh, thành phố, chặn các hành vi gian lận thương mại
Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa công khai danh sách số điện thoại đường dây nóng tại 23 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam để tiếp nhận, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đặc biệt các hành vi lợi dụng dịch bệnh để gian lận thương mại, thu lời bất chính...
Theo đó, các tổ chức, cá nhân tại 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi lợi dụng dịch bệnh để thu lời bất chính, có thể gọi ngay đến các đầu số điện thoại này để tố giác. Tất cả số điện thoại đường dây nóng do 23 Cục Quản lý thị trường khu vực miền Nam phụ trách sẽ hoạt động thông suốt 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
* 23 số hotline tiếp nhận tố giác:
Phú Yên 0949.144.679; Ninh Thuận 0913.882.175; Bình Thuận 0905.062.669; Lâm Đồng 0913.934.739; Bình Phước 0988.200.568; Bình Dương 0972.777.778; Tp. Hồ Chí Minh 0283.9321.014; Bà Rịa Vũng Tàu 0983.046.959; Đồng Nai 0913.611.018; Tây Ninh 0888.506.792; Long An 0988.252.228; Tiền Giang 0913.686.475; Bến Tre 0918.353.721; Trà Vinh 0944. 322.066; Vĩnh Long 0985.770.399; Đồng Tháp 0913.938.739; An Giang 0913.970.424; Kiên Giang 0913.993.156; Cần Thơ 0903.741.676; Hậu Giang 0911.637.779; Sóc Trăng 0913.983.323; Bạc Liêu 0913.990.177; Cà Mau 0913.986.927.
* Thiếu hụt chip và tác động đến các hãng xe ở Việt Nam
Trước tác động của dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng chip đang diễn ra ở mức độ toàn cầu khiến nhiều hãng xe trên thế giới phải tạm dừng sản xuất, giãn thời gian bàn giao xe cho khách hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều hãng xe cho rằng, ảnh hưởng của việc thiếu hụt chip là không đáng kể, vẫn đảm bảo việc hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như bàn giao xe cho khách hàng đúng tiến độ.
Theo giới chuyên gia về lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam, lĩnh vực sản xuất ô tô phụ thuộc vào chip từ hệ thống điều khiển ECU đến hệ thống hỗ trợ người lái. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Đặc biệt một chiếc xe càng hiện đại, sử dụng nhiều công nghệ phức tạp như xe chạy điện hoặc xe hybrid thì lượng chip tốn có thể sở hữu đến con số 3.000. Trong khi đó, hiện nay, gần như chưa có doanh nghiệp trong nước nào làm ra đầy đủ được một con chip, gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất... mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Do phụ thuộc từ nước ngoài nên khi thị trường bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch COVID-19, hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với các công ty công nghệ hoặc do Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC - nhà sản xuất chip của Đài Loan (Trung Quốc) chiếm hơn nửa sản lượng chip bán dẫn của thế giới vừa gặp phải đợt hạn hán (vì cần rất nhiều nước để sản xuất chip) kéo dài tồi tệ nhất trong 56 năm ở có thể tác động tới nguồn cung chip bán dẫn trên toàn cầu.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, dù hàm lượng trang bị công nghệ cao đôi khi không bằng ở các thị trường Mỹ hay châu Âu nhưng các xe cả lắp ráp và nhập khẩu tại Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip này. Thế nhưng các doanh nghiệp không tiết lộ mức độ ảnh hưởng.
Hơn nữa, khi so sánh dung lượng thị trường trong các nước ASEAN, có 5 quốc gia sản xuất, lắp ráp ô tô gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, Thái Lan có sản lượng ô tô lớn nhất đạt trên 2 triệu xe/năm, Indonesia đạt hơn 1 triệu xe/năm, Malaysia trên 500.0000 xe/năm.
Còn tại Việt Nam quy mô thị trường ô tô mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia chứ chưa nói đến sản lượng. Dung lượng thị trường nhỏ lại bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp, nhiều model khác nhau và cả sản xuất lắp ráp trong nước lẫn nhập khẩu nên có tác động cũng không nhiều như các quốc gia khác.
Theo giới chuyên gia, tình trạng thiếu hụt phụ tùng, đặc biệt là chip bán dẫn có thể kéo dài tới hết năm nay trên toàn cầu, thậm chí sang nửa đầu năm 2022. Điều này ít nhiều sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của các hãng xe trong thời gian tới và sẽ khiến ngành ô tô khó có thể tăng trưởng như mong muốn và Việt Nam cũng không nằm trong số đó.
Tuy nhiên, dự báo về thị trường ô tô những tháng cuối năm và cả năm 2021 ông Toshiyuki Takahara tin rằng tình hình kinh doanh sẽ tăng trưởng trong trung và dài hạn. Nhưng trước mắt chưa thể nói trước được điều gì do sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khi đó, ông Daiki Mihara cho rằng, vẫn còn một số khó khăn nhất định do tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế. Tuy vậy, với những chính sách hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ, thị trường ô tô sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm nay.
* Anh - Thị trường xuất khẩu tiềm năng cho rau quả Việt
Với giá trị nhập khẩu rau và hoa quả hàng năm lên tới hơn 6 tỷ bảng (tương đương 8,4 tỷ USD), Vương quốc Anh là thị trường lớn đầy tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo trực tuyến giới thiệu nông sản và hoa quả Việt Nam tại thị trường Anh, do Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức, với sự tham dự của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản hai nước.
Hội thảo đã tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu hoa quả và nông sản Việt Nam trực tiếp giới thiệu sản phẩm của mình tới các doanh nghiệp nhập khẩu Anh quốc, và thương thảo các thỏa thuận hợp tác. Các sản phẩm Việt Nam được giới thiệu tại hội thảo gồm chuối, thanh long, xoài, bơ, dứa, ổi, vải, nhãn, mít, dừa, thanh long, hạt điều, hạt tiêu, cà phê...
Theo số liệu của Chính phủ Anh, năm 2019, nước này nhập khẩu hơn 3,6 triệu tấn hoa quả, trị giá gần 3,9 tỷ bảng (hơn 5,4 tỷ USD). Nhập khẩu rau đạt 2,3 triệu tấn với tổng giá trị hơn 2,5 tỷ bảng (hơn 3,5 tỷ USD).
* Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc có thể giảm một nửa
Trung Quốc, nước nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới, có thể giảm nhập khẩu mặt hàng này hơn 50% trong 6 tháng cuối năm nay so với nửa đầu năm, do giá thịt lợn ở nước này hiện đang thấp hơn so với giá thịt lợn nhập khẩu.
Nhu cầu của Trung Quốc đối với thịt lợn nhập khẩu giảm mạnh có thể là một tin tốt đối với người tiêu dùng tại các quốc gia khác trên thế giới. Giá thịt, giá ngũ cốc và giá dầu ăn leo thang đã đẩy chỉ số giá lương thực-thực phẩm toàn cầu năm nay lên mức cao nhất kể từ năm 2011, thổi bùng nỗi lo lạm phát trong lúc nền kinh tế thế giới đang phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Nửa đầu năm nay, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 27 triệu tấn. Đàn lợn của nước này ở thời điểm cuối tháng 6 tăng 30% so với cùng kỳ 2020, đạt 439 triệu con – theo số liệu thống kê chính thức.
Tây Ban Nha, Brazil và Mỹ là ba thị trường nhập khẩu thịt lợn lớn nhất của Trung Quốc.
PB (Tổng hợp)