Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng sáng 12/7 tăng 60.000 đồng/lượng

Cụ thể, lúc 8 giờ 47 phút, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,85 - 57,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 60.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,75 - 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối tuần qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được giữ nguyên so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 56,85 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Tỷ giá trung tâm giảm 3 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 12/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.198 VND/USD, giảm 3 đồng so với cuối tuần qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.893 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.502 VND/USD.

Lúc 8 giờ 20 phút, tại Vietcombank, giá USD không đổi so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 22.870 - 23.100 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.478 - 3.624 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 3 đồng ở chiều mua vào và 4 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.

Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 22.905 - 23.105 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối tuần qua.

* TP Hồ Chí Minh cấp hơn 12.000 giấy nhận diện cho xe chở hàng hóa thiết yếu lưu thông

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, từ ngày 8/7 đến chiều ngày 11/7, sở đã cấp giấy nhận diện phương tiện (tạo luồng xanh) cho 12.207 xe của 22 đơn vị, nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe ra vào cảng trên địa thành phố. Việc lưu thông hàng hóa của các phương tiện được đảm bảo thuận lợi, nhất là các xe được cấp giấy nhận diện phương tiện - tạo luồng xanh khi đi qua các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Trong các đơn vị đã được cấp giấy nhận diện phương tiện, nhiều nhất là Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh với 5.669 xe; Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với 2.710 xe; cảng Bến Nghé có 769 xe; cảng Bông Sen có 590 xe… Ở các tỉnh, Sở Giao thông Vận tải An Giang đã được cấp 152 xe, Tây Ninh đã được cấp 3 xe.

Tình hình giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng khá thông thoáng, lượng phương tiện giao thông hoạt động giảm nhiều so với trước đó. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, lượng phương tiện giao thông ngày 11/7 giảm 53% so với ngày 10/7; lưu lượng giảm 86% so với trước khi thành phố thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP Hồ Chí Minh.

Tại 12 chốt kiểm soát dịch ra vào TP Hồ Chí Minh, các đơn vị của thành phố đã tuyên truyền, tăng cường lực lượng kiểm dịch, phân luồng riêng cho các phương tiện ưu tiên theo luồng tuyến xanh lưu thông, chủ động điều tiết giao thông từ xa. Do vậy, đến ngày thứ ba thực hiện Chỉ thị 16, tình hình giao thông cũng đã dần ổn định, lượng phương tiện giao thông đã giảm mạnh, số lượng phương tiện quay đầu do không đủ điều kiện giảm nhiều.

* VinFast chính thức đi vào hoạt động tại Bắc Mỹ và châu Âu

Ngày 12/7, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast đã chính thức đưa các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan vào hoạt động, nhằm chuẩn bị cho việc ra mắt thị trường, từng bước thực hiện mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng ô tô điện thông minh toàn cầu.

Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan và Đức là 5 thị trường trọng điểm nằm trong kế hoạch mở rộng kinh doanh của VinFast ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Để tiếp cận địa bàn, hơn một năm qua, VinFast đã gấp rút hoàn thiện bộ máy, thiết lập nền tảng kinh doanh ở các quốc gia sở tại.

Về nhân sự, cùng với nòng cốt là đội ngũ quản lý cấp cao người Việt, VinFast đã thu hút nhiều chuyên gia ô tô và kinh doanh giàu kinh nghiệm đến từ các hãng xe hàng đầu như Tesla, BMW, Porsche, Toyota, Nissan... tham gia hoàn thiện hệ thống, mở rộng mạng lưới đối tác, chuẩn bị cho việc gia nhập thị trường.

Về chiến lược kinh doanh, VinFast đã xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc thù của từng thị trường. Riêng tại châu Âu, VinFast tập trung vào Pháp, Đức và Hà Lan trước khi nghiên cứu mở rộng ra các nước khác. Các mẫu xe theo đó cũng sẽ được thiết kế phù hợp với nhu cầu khách hàng và điều kiện vận hành tự nhiên tại mỗi nước.

Theo kế hoạch, VinFast sẽ chính thức mở bán hai mẫu ô tô điện thông minh VF e35 và VF e36 trên toàn cầu vào tháng 3/2022. Đây là các mẫu SUV điện đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất của NHTSA và EURO NCAP. Đặc biệt, VF e35 và VF e36 sẽ được tích hợp các tính năng ADAS (hỗ trợ lái tự động) và Smart Service (hệ thống thông tin giải trí thông minh) do VinFast cùng các đối tác nghiên cứu và phát triển.

Hiện VinFast đang là nhà sản xuất ô tô điện tiên phong trên thế giới triển khai mô hình cho thuê pin, với chi phí thuê bao hàng tháng hấp dẫn cùng nhiều quyền lợi thiết thực, mang lại sự an tâm lớn cho khách hàng trong suốt quá trình sử dụng.

Ngoài ra, ô tô điện VinFast còn được áp dụng chính sách bảo hành toàn cầu và chế độ hậu mãi tốt tại từng thị trường. Định hướng của hãng là cung cấp cho người tiêu dùng toàn thế giới các dòng sản phẩm đẳng cấp, tích hợp công nghệ hiện đại, phục vụ nhu cầu di chuyển hàng ngày với chi phí hợp lý.

Trước đó, mẫu ô tô điện đầu tiên của VinFast là VF e34 đã lập kỷ lục tại thị trường Việt Nam khi nhận được hơn 25.000 đơn đặt cọc chỉ sau một thời gian ngắn mở bán.

* Công bố Top 10 công ty bảo hiểm uy tín Việt Nam năm 2021

Ngày 9/7 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2021 và nghiên cứu tổng quan về thị trường ngành bảo hiểm Việt Nam. Theo đó, nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận kết quả tích cực trong quý I/2021.

Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2021 được công bố theo 2 danh sách là Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2021 và Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2021.

Cụ thể, Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín, gồm: Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam), Công ty TNHH Manulife (Việt Nam)....

Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2021 gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội...

Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng và được khách hàng tin cậy và là tấm lá chắn tài chính an toàn trước những rủi ro. Cụ thể, toàn ngành đã chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2020 đạt 48.223 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2019. Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực đóng góp ngân sách và đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.457 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 22% so với năm 2019.

* Trung Quốc thiếu điện nghiêm trọng nhất 1 thập kỷ, nền kinh tế bị đe doạ

Theo trang CNN Business, nhiều tỉnh của Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu điện trong những tuần gần đây, trong đó có những địa phương giữ vai trò là “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Tỉnh Quảng Đông - một trung tâm của ngành sản xuất với tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, chiếm hơn 10% GDP cả nước và một tỷ trọng thậm chí còn lớn hơn trong xuất nhập khẩu của Trung Quốc – đã phải cắt điện luân phiên trong hơn 1 tháng qua. Hạn chế này buộc một số doanh nghiệp trong tỉnh phải nghỉ vài ngày một tuần. Nhà chức trách địa phương cảnh báo việc cắt điện luân phiên có thể kéo dài đến cuối năm.

Ít nhất 9 tỉnh đang ở trong tình trạng tương tư, bao gồm Vân Nam, Quảng Tây và Triết Giang.