Thiết bị được RMIT công bố ngày 9/7 dự kiến sẽ được sử dụng trong tương lai tại những nơi làm việc thiết yếu để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động.
Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Sydney, Australia. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thông báo của RMIT, cảm biến Soterius Scout có khả năng phát hiện lượng nhỏ virus SARS-CoV-2 và những biến thể của virus này trong vòng 1 phút. Cảm biến ứng dụng kỹ thuật vi điện tử linh hoạt và công nghệ nano nhân tạo giúp phát hiện rõ ràng và ngăn ngừa việc nhận diện sai virus. Các thành phần chính của công nghệ là thiết bị cảm biến sinh học được chế tạo vi mô và các linh kiện điện tử được chế tạo bằng kỹ thuật tiên tiến.
Các nhà nghiên cứu đã chế tạo thành công mẫu đầu tiên của thiết bị. Kết quả thử nghiệm cho thấy thiết bị Soterius Scout phát hiện ra những đột biến protein gai của virus SARS-CoV-2 với độ chính xác cao. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng công nghệ này có khả năng phát hiện virus SARS-CoV-2 ngay cả ở những người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng.
Tiến sĩ Alasdair Wood, thành viên nhóm phát minh ra Soterius Scout, cho biết những cảm biến virus trong môi trường đang được phát triển hiện nay có kích thước lớn, tiêu tốn năng lượng và chỉ có thể phát hiện ra một loại virus, song cảm biến Soterius Scout nhỏ gọn có thể đeo trên người như một chiếc thẻ và có khả năng phát hiện đến 8 biến thể virus.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển cảm biến trên. Dự kiến, công nghệ này sẽ được sản xuất tại Australia và trong tương lai sẽ được ứng dụng vào những nơi làm việc thiết yếu cũng như những môi trường đông người như bệnh viện, viện dưỡng lão, khách sạn cách ly, sân bay và trường học. Theo kế hoạch, mẫu cảm biến Soterius Scout sẽ được thương mại hóa vào đầu năm 2022.
Theo TTXVN/Báo Tin tức