Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, người đứng đầu WHO lưu ý biến thể Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới. Theo ông, biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang "thống trị" ở nhiều quốc gia.
Người đứng đầu WHO cho rằng cần theo dõi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covaxin phòng COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 16/6/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ngoài ra, ông Ghebreyesus cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo cùng kỳ năm sau, sẽ có 70% người dân ở mỗi nước đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Để đạt được điều này, các nước cần giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng COVID-19, máy thở, thuốc men và các xét nghiệm, đồng thời tăng tốc độ tiêm chủng. Ông khẳng định đây là cách tốt nhất để làm chậm đại dịch COVID-19, cứu sống, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu và ngăn chặn sự gia tăng của các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Theo người đứng đầu WHO, hiện đã có 3 tỷ liều vaccine được phân phối trên thế giới, song chưa đầy 2% trong số này được đưa tới các nước nghèo. Mặc dù các nước giàu, trong đó có Anh, Canada, Mỹ, Pháp... cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, WHO ước tính thế giới vẫn cần tới 11 tỷ liều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức