Đó là nhận định của nhà báo Ngụy Vi, Trưởng ban Việt ngữ của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo nhà báo Ngụy Vi, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chính trị và chuyên gia lý luận của Trung Quốc. Bài viết đã mang lại những sáng tạo, tổng kết mới về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác- Lênin, đóng góp quan trọng cho hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị lần thứ ba
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, nhận ra rằng “chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át”; “Tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”.
Nhà báo Ngụy Vi nêu bật việc Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì quan điểm Nhà nước là “của dân, do dân, vì dân”, lấy nhân dân làm trung tâm, mọi suy nghĩ và hành động luôn xuất phát từ lợi ích của nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất. Điều này rất trùng hợp với quan điểm cầm quyền “luôn hướng về nhân dân” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Ngụy Vi cũng cho rằng những thành tựu Đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Theo ông, điều này không những đã được chứng minh tại Việt Nam, mà còn trải qua thực tiễn cải cách mở cửa ở Trung Quốc. Những thành tựu về phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân ở mỗi nước, đặc biệt những thành tựu được thế giới công nhận trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ông cũng nhấn mạnh rằng những năm qua, giao lưu kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ: Trung Quốc 16 năm liền là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, Việt Nam cũng nhiều năm là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mặc dù dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng, thể hiện sức bền cũng như tiềm năng to lớn của hợp tác kinh tế, trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương. Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 64 tỷ USD, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trên con đường hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, đậm đà bản sắc dân tộc, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới, ông Ngụy Vi cho rằng, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng lòng, nhất trí của toàn hệ thống chính trị và toàn dân, Việt Nam đã thu được những thành tựu phát triển to lớn, về cơ bản đang tiến theo định hướng trở thành quốc gia dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước nhân dịp 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cho rằng để thực hiện được mục tiêu này, việc có được một môi trường quốc tế thuận lợi là điều hết sức quan trọng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức