Tăng cường quản lý hoạt động nuôi thủy sản trên biển

Tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi thủy sản trên biển

Ninh Thuận được biết đến là một địa phương có nhiều lợi thế về tài nguyên biển. Vùng biển của tỉnh có diện tích trên 18.000 km2, nằm ở trung tâm vùng nước trồi và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp như: Bình Tiên, Vĩnh Hy và Cà Ná. Đây cũng là môi trường lý tưởng của các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao: nhóm nhuyễn thể sò, hàu, vẹm xanh...; nhóm cá biển gồm cá giò, cá hồng, cá mú, cá bớp...; nhóm giáp xác như tôm hùm, cua, ghẹ...; rong tảo biển có rong sụn, rong câu, rong nho, tảo biển... và các đối tượng khác như hải sâm, sinh vật cảnh.

Tận dụng những lợi thế vốn có của địa phương, trong những năm qua người dân tại các địa phương ven biển đã mạnh dạn đầu tư, phát triển nghề nuôi hải sản lồng bè trên biển và đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc... nghề nuôi biển đã và đang phát triển tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Ninh Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, Thuận Nam.

Nghề nuôi hàu Thái Bình Dương ở xã Tri Hải (Ninh Hải). Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, cùng với tiến trình phát triển của các ngành kinh tế biển khác, nghề nuôi biển tại Ninh Thuận hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập cần được quan tâm quản lý. Nuôi biển còn mang tính tự phát, chưa tuân theo quy hoạch vùng nuôi, điều kiện hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số vùng nuôi nằm chồng lấn, xung đột với các ngành kinh tế khác. Khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản trên biển còn hạn chế, công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với điều kiện tự nhiên các vùng quy hoạch chưa phát triển. Thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, các ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới chưa được nhân rộng.

Hiện nay, nghề nuôi thủy sản trên biển tại Ninh Thuận chỉ phát triển tại một số khu vực gần bờ do kỹ thuật nuôi đơn giản, kết cấu công trình lồng bè nuôi còn thô sơ, chưa đáp ứng khả năng chịu đựng sóng to, gió lớn; đồng thời các quy định pháp lý về tổ chức nuôi thủy sản trên biển chưa đầy đủ, cơ chế chính sách khuyến khích cho phát triển nuôi biển còn thiếu, chậm được ban hành. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan có ảnh hưởng và tác động đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh nhà đang được UBND tỉnh quan tâm giải quyết.

Định hướng phát triển trong thời gian tới

Để phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển bền vững, UBND tỉnh đã có định hướng cụ thể. Trong đó, đối với “Nuôi trồng và khai thác hải sản: Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường” theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Riêng với nghề nuôi biển, rà soát các khu nuôi biển, định hướng tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; đối với việc tổ chức nuôi tại các vùng biển xa, biển sâu cần thực hiện nuôi theo phương thức hiện đại, công nghệ nuôi tiên tiến, kết cấu công trình lồng bè nuôi vững chắc phải định hướng cho các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, có khả năng hỗ trợ lập quy hoạch và tổ chức bao tiêu sản phẩm nuôi.

Nhanh chóng hướng dẫn và thực hiện việc cấp phép nuôi thủy sản lồng bè trên biển theo quy định của Luật Thủy sản, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và giao khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10-2-2021 của Chính phủ; trong đó hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản trên biển, chuyển đổi nghề; quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện tại các khu vực có quy hoạch, các khu vực chưa có quy hoạch nuôi thủy sản trên biển; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính còn 2/3 so với thời gian quy định nhằm đảm bảo tạo điều kiện thuận tiện cho người dân hành nghề nuôi biển.

Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển hiện đang được Chính phủ chỉ đạo xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phối hợp với các tổ chức tín dụng thương mại để triển khai thực hiện đảm bảo có lộ trình, bước đi phù hợp; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương (nơi có các hộ dân nuôi thủy sản trên biển) nghiên cứu, hướng dẫn việc thành lập các tổ cộng đồng, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản trên biển để đảm bảo triển khai đồng bộ.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trên biển, kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm theo quy định về khai thác, nuôi trồng thủy sản và khai thác sử dụng tài nguyên biển.

Tin rằng với cách làm này, nghề nuôi trồng thủy sản trên biển tiếp tục phát triển bền vững, sớm trở thành bộ phận quan trọng của kinh tế biển tỉnh nhà.