Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ xung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21-7-2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, kể từ ngày 30-3-2021, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) sẽ tiếp tục giải ngân chương trình tín dụng (CTTD) cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến ngày 31-12-2020 như quy định cũ. CTTD này đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo.
Từ năm 2015 đến nay, khi CTTD đối với hộ mới thoát nghèo được triển khai thực hiện, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân gần 132 tỷ đồng, với 4.036 lượt hộ vay, trong đó lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chiếm hơn 97%. Với mức cho vay tối đa cho hộ mới thoát nghèo là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 8,25%/năm, thời hạn vay không quá 5 năm. Đối tượng được vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định. Từ nguồn vốn tín dụng đã “tiếp sức” cho các hộ gia đình mới thoát nghèo mạnh dạn thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình.
Chương trình tín dụng cho vay đối với hộ mới thoát nghèo giúp gia đình chi Mang Thị Tùng, thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) có nguồn sinh kế bền vững.
Điển hình như hộ chị Bùi Thị Kim Thanh, thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn, được thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo của NHCSXH khi đầu tư vào chăn nuôi bò sinh sản. Tuy nhiên, chị Thanh vẫn chưa kịp vui vì đời sống gia đình còn nhiều khó khăn, sức lao động của gia đình có nhưng lại thiếu vốn đầu tư, dù chăm chỉ làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, có thời gian nông nhàn thì chăm sóc 2 con bò cái sinh sản nhưng chỉ đủ chi tiêu trong gia đình, 2 con đang tuổi ăn học cũng cần nhiều chi phí hơn, điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ gia đình chị lại tái nghèo. Năm 2015, khi có CTTD cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục được vay vốn như “tiếp sức” cho gia đình chị cơ hội sinh kế bền vững. Qua bình xét chị được vay vốn 50 triệu đồng, từ kinh nghiệm sẵn có, chị tiếp tục đầu tư mua 2 con bò cái sinh sản. Nhiều năm chăm chỉ làm ăn, đàn bò của gia đình cũng tăng lên, có khi được 15 con. Nhằm mở rộng diện tích đất trồng trọt, gia đình chị bán bớt bò mua đất trồng lúa 1 ha, để cơ giới hóa trong sản xuất chị còn đầu tư mua máy cày và máy gặt đập liên hợp, vừa phục vụ cho gia đình, vừa làm dịch vụ cho bà con quanh vùng. Giờ đây, gia đình chị đã có cuộc sống khấm khá với nguồn thu nhập ổn định. Chị Thanh chia sẻ: Từ nguồn vốn của NHCSXH đã giúp gia đình tôi mạnh dạn hơn trong đầu tư sản xuất, hiện nay ngoài chăn nuôi 5 con bò sinh sản, trồng 1 ha lúa, vào mùa thì chở hàng hóa, gặt lúa làm dịch vụ đã giúp gia đình có của dư của để và gửi tiết kiệm trả dần gốc, lãi cho ngân hàng, giảm nợ cuối kỳ. Cuộc sống được cải thiện giúp gia đình có điều kiện nuôi các con ăn học chu đáo. Cũng giống như gia đình chị Thanh, gia đình chị Mang Thị Tùng, thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn là một trong những hộ tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Thoát nghèo năm 2017, chị được tiếp cận nguồn vốn vay 70 triệu đồng của NHCSXH cho hộ mới thoát nghèo mở rộng đầu tư chăn nuôi bò, dê. Với bản tính chịu thương, chịu khó làm ăn, chị đã trả gần hết nợ gốc cho ngân hàng, nợ cuối kỳ chỉ còn 15 triệu đồng. Hiện “gia sản” của chị Tùng gồm ngôi nhà khang trang, với đàn dê hơn 30 con, 4 con bò và 5 sào đất trồng lúa, cho thu nhập trung bình hơn 80 triệu đồng/năm, giúp gia đình chị ổn định cuộc sống, có nguồn sinh kế bền vững.
Ông Phạm Văn Trường, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện, cho biết: Song song với việc giải ngân vốn, Phòng giao dịch NHCSXH huyện còn thực hiện các biện pháp đồng bộ như tổ chức xây dựng mạng lưới điểm giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn, tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hằng tháng, phối hợp với địa phương, các hội, đoàn thể rà soát nhu cầu vay vốn của những hộ mới thoát nghèo, đẩy nhanh quá trình thẩm định hồ sơ, tổ chức bình xét cho vay đúng đối tượng, kịp thời chuyển vốn đến cho người dân mở rộng sản xuất; chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng người dân trong thực hiện mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mình để đảm bảo hiệu quả đồng vốn vay. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để phát triển tín dụng chính sách xã hội an toàn và hiệu quả, đảm bảo giải ngân vốn đạt 100% kế hoạch, không để tồn vốn sau thu hồi.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, từ nguồn vốn tín dụng cho hộ mới thoát nghèo của NHCSXH đã giúp người dân có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất. Hiện nay, nợ quá hạn của hộ mới thoát nghèo chỉ có 40 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,04%, qua đây cho thấy được, CTTD cho hộ mới thoát nghèo đã được người dân tiếp cận mở rộng sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt... đúng mục đích, tạo sinh kế bền vững. Cùng các nguồn lực khác, đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Kim Thùy