Sốt chỉ là triệu chứng, không phải bệnh. Đây là phản ứng của cơ thể khi không may bị nhiễm virus, vi khuẩn, do mắc các bệnh tự miễn hoặc phản ứng với thuốc... Khi sốt cao, tức cơ thể đang tăng nhiệt độ cao hơn mức bình thường, lúc này vùng dưới đồi sẽ nhận được tín hiệu, từ đó khởi động “hệ thống” làm mát bằng cách tăng tiết mồ hôi, tăng lưu lượng máu đến da. Nếu “hệ thống” làm mát này hoạt động liên tục, khiến cơ thể hạ hơn nhiệt độ bên ngoài, sẽ gây ra cảm giác ớn lạnh, rét run.
Vì vậy, khi sốt, người bệnh thường cảm thấy nóng trong cơ thể nhưng lạnh ở ngoài, càng đắp chăn càng lạnh, là do hiện tượng co mạch ngoại vi. Do đó, người bị sốt thường sợ gió nên đóng kín cửa, đắp chăn dù đang sốt cao là một sai lầm. Đắp chăn không giúp hết lạnh mà càng khiến cơ thể khó thoát nhiệt dẫn đến tình trạng sốt kéo dài. Sốt cao không hạ thân nhiệt kịp thời sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, gây các biến chứng như co giật.
Nếu sốt phải uống nước bù điện giải, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của thầy thuốc. Khi bệnh nhân uống thuốc hạ sốt cần có cơ chế thoát nhiệt, trong đó thoát nhiệt qua đối lưu rất quan trọng. Muốn đối lưu thì phải có tốc độ dòng khí ở xung quanh mình, giống như vào ngày trời nóng bạn đi ra ngoài đường nếu có gió sẽ cảm thấy mát. Cơ thể có cơ chế thoát nhiệt qua da, nếu uống thuốc mà không có đối lưu thì không thoát nhiệt được.
Do đó, nguyên tắc quan trọng khi bị sốt là không được đắp chăn, không được đóng kín cửa mà phải mở cửa để không khí trong nhà lưu thông. Không nên mặc quá nhiều áo quần hoặc để cơ thể quá lạnh, hãy giữ thân nhiệt cơ thể ổn định sao cho người bệnh cảm thấy dễ chịu nhất. Với cách này chỉ một lúc sau người bệnh sẽ hết cảm giác rét.
B.H (Theo SK&ĐS)