* Giá vàng sáng 2/7
Lúc 8 giờ 41 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,3 - 56,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, so với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC không đổi, niêm yết ở mức 56,42 - 56,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC tăng 50.000 đồng/lượng cả ở chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,35 - 56,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
* Giá vàng thế giới tăng trong phiên 2/7 sau khi giảm mạnh trong tháng 6/2021
Vào lúc 1 giờ 22 phút sáng 2/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.773,09 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,3% và khép phiên ở mức 1.776,80 USD/ounce.
Tỷ giá trung tâm sáng 2/7 tăng 2 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 2/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.184 VND/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.879 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.488 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng USD và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) đồng loạt giảm.
Lúc 8 giờ 20 phút, tại Vietcombank, giá USD giảm 10 đồng cả ở chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 22.880 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra).
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 22.910 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra), cũng giảm 10 đồng cả ở chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV niêm yết ở mức 3.506 - 3.609 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 9 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
* Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 7.986 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h00 ngày 1/7, Quỹ đã tiếp nhận được 7.986 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).
Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 356.715 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.
* Giá dầu thế giới tăng khoảng 2% trong phiên 1/7
Trong phiên giao dịch 1/7, giá dầu thế giới tăng khoảng 2%, trước các dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất dầu mỏ có thể tăng sản lượng chậm hơn dự kiến trong những tháng tới.
Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,22 USD (1,6%) lên 75,84 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 1,76 USD (2,4%) lên 75,23 USD/thùng. Trong phiên, cả hai mặt hàng này có lúc tăng hơn 2 USD/thùng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
* Nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 lên 45 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Với những tín hiệu tốt về xuất khẩu nông lâm thủy sản thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra mục tiêu mới trong năm nay đạt khoảng 45 tỷ USD, cao hơn so với chỉ tiêu Chính phủ giao 3 tỷ USD. Đóng góp vào thành công xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm… Điển hình như cao su tăng 41,3% khối lượng và tăng 80% giá trị; hạt điều tăng 22,2% về khối lượng và tăng 11,1% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn có sản lượng tăng 16,3%, giá trị tăng 30,5%.
Riêng mặt hàng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 6,7%, nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 40,5% và đạt 499 triệu USD. Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD, tăng gần 75%; mây, tre, cói thảm đạt khoảng 447 triệu USD, tăng gần 79%; tôm đạt 1,66 tỷ USD, tăng 8,5%.
Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam; trong đó 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, đây cũng là hai thị trường duy trì sự tăng trưởng tốt trong thời gian.
* Sẽ triển khai sớm gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động và sử dụng lao động
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 tổ chức chiều 1/7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ cố gắng triển khai sớm gói hỗ trợ này.
Gói hỗ trợ có tổng giá trị 26.000 tỷ đồng gồm 12 nhóm chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Theo đó, Nghị quyết đảm bảo các nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; Xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.
Nghị quyết bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại Nghị quyết này) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
* Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát việc dùng thẻ ngân hàng để chuyển tiền cá độ bóng đá
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Văn bản 4347/NHNN-TT chỉ đạo các tổ chức tín dụng và những đơn vị trong hệ thống tăng cường các biện pháp an ninh, an toàn, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán chủ động thông tin, hướng dẫn người dân không thực hiện các hành vi bị cấm như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua, bán, thuê, cho thuê thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử...
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng không sử dụng hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá và các mục đích bất hợp pháp khác.
PB (Tổng hợp)