* Giá vàng sáng 30/6 giảm 100.000 đồng/lượng
Cùng chung xu hướng của giá vàng thế giới, sáng 30/6, giá vàng trong nước đồng loạt giảm và để tuột mốc 57 triệu đồng/lượng.
Lúc 8 giờ 35 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,4 - 56,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, so với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết ở mức 56,32 - 56,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,5 - 57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng trong nước giảm nằm trong xu hướng chung với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4/2021 trong phiên giao dịch 29/6 do đồng USD mạnh lên trong khi các nhà đầu tư chờ đợi Mỹ công bố báo cáo việc làm trong tuần này. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,93% xuống 1.761,66 USD/ounce vào lúc 0 giờ 39 phút ngày 30/6 (theo giờ Việt Nam) là mức thấp nhất kể từ ngày 15/4. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 1% xuống 1.763,60 USD/ounce.
* Tỷ giá trung tâm tăng 1 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 30/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.178 VND/USD, tăng 1 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.873 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.482 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay, giá đồng USD khá ổn định, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm nhẹ.
Lúc 8 giờ 20 phút, tại Vietcombank, giá USD không đổi so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 22.890 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra).
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 22.920 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV được điều chỉnh ở mức 3.511 - 3.613 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 2 đồng cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
* Chiều 29/6, giá dầu châu Á giảm do lo ngại COVID-19 bùng phát
Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 29/6 và là ngày thứ hai giảm liên tiếp do lo ngại đại dịch COVID-19 bùng phát biến thể mới khiến nhu cầu nhiên liệu sụt giảm.
Tại thị trường Melbourne giá dầu Brent giảm 26 xu Mỹ (0,4%) xuống 74,42 USD/thùng sau khi giảm 2% vào ngày 28/6. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 19 xu Mỹ (0,3%) xuống 72,72 USD/thùng sau khi giảm 1,5% phiên trước đó.
Sự bùng phát các ca lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta lan rộng diễn ra khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+ chuẩn bị nhóm họp vào ngày 1/7 để thảo luận về việc nới lỏng hạn chế nguồn cung.
* Ký kết thỏa thuận tín dụng 1.900 tỷ đồng cho dự án thủy điện Ialy mở rộng
Ngày 29/6 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 74,7 triệu Euro cho dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng.
Dự án này bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 360 MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.398 tỷ đồng. Khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 74,7 triệu Euro, tương đương 1.900 tỷ đồng, chiếm 30,8% tổng mức vốn đầu tư cho dự án cho dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng là khoản vay không có bảo lãnh chính phủ thứ 2 mà AFD cung cấp cho EVN.
Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng được xây dựng tạixã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Dự kiến, dự án khởi công trong quý II/2021; phát điện tổ máy 1 vào quý II/2024, phát điện tổ máy 2 vào quý III/2024 và hoàn thành công trình vào tháng 12/2024.
Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi để EVN quyết định đầu tư; EVN đã giao Ban Quản lý Dự án Điện 2 làm đại diện chủ đầu tư.
* Tập đoàn Bỉ muốn chuyển giao công nghệ sản xuất than từ xơ dừa cho Việt Nam
Trong buổi làm việc mới đây với đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Tập đoàn giải pháp công nghệ hàng đầu của Bỉ John Cockerill bày tỏ mong muốn được chuyển giao cho phía Việt Nam công nghệ tiên tiến sản xuất than hoạt tính từ gáo và xơ dừa.
Ông Eric Franssen, Giám đốc phát triển kinh doanh của tập đoàn John Cockerill cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế trong năng lượng tái tạo, sản xuất nhiệt sinh khối từ rác thải công nghiệp. Tập đoàn có thể hỗ trợ phía Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng sinh khối, có lượng nhiệt tương đương than đá.
Miền Trung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là nơi cây dừa phát triển mạnh. Theo ước tính, mỗi năm, Việt Nam thu hoạch từ 1,3-1,4 tỷ trái dừa. Tuy nhiên, do chưa có công nghệ xử lý bài bản nên các phụ phẩm từ dừa gây ô nhiễm môi trường và đang là vấn đề lớn đối với các cơ quan chức năng.
Gáo dừa và xơ dừa sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất than hoạt tính xuất khẩu. Do đó, John Cockerill muốn chuyển giao công nghệ tiên tiến cho Việt Nam để xử lý rác dừa cũng như các loại rơm rạ sau thu hoạch thành nhiên liệu sinh khối, từ đó chuyển thành khí sinh học và nhiên liệu sinh học. Đây là loại nhiên liệu lỏng có thể được sử dụng để thay thế nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động vận tải. Công nghệ này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Liên hiệp quốc kêu gọi các quốc gia trên thế giới hành động để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
* LHQ dự báo du lịch thế giới khó phục hồi trước năm 2023
Lượng khách du lịch quốc tế sẽ vẫn "giậm chân tại chỗ" trong năm nay, ngoại trừ một số thị trường phương Tây và ngành công nghiệp không khói này sẽ khó có thể phục hồi toàn toàn cho đến năm 2023. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), công bố ngày 30/6.
Báo cáo nêu rõ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các chứng nhận về COVID-19 là yếu tố chính giúp khôi phục ngành du lịch, vốn được coi là "phao cứu sinh" của nhiều nước, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ vốn phụ thuộc nặng nề vào ngành này để tạo việc làm. Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế trong năm 2020 đã giảm 73% so với mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 hồi năm 2019, riêng lượng khách đến các nước đang phát triển giảm từ 60-80%.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nêu rõ du lịch là phao cứu sinh cho hàng triệu người và việc thúc đẩy tiêm vaccine ngừa COVID-19 là để bảo vệ cộng đồng và hỗ trợ việc tái khởi động an toàn du lịch. Đây là các yếu tố quan trọng nhằm phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết.
Trên thực tế, việc bùng phát COVID-19 đã khiến lưu lượng đi lại bằng đường hàng không gần như bị đình trệ trong năm 2020, trong bối cảnh nhiều nước không cho phép việc đi lại không có mục đích thiết yếu. Điều này đã khiến ngành du lịch và các ngành liên quan thiệt hại khoảng 2.400 tỷ USD trong năm 2020. Báo cáo cảnh báo khoản thiệt hại tương tự có thể lặp lại trong năm nay và việc có thể giảm bớt hay không phụ thuộc nhiều vào việc phân phối vaccine.
Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới vẫn không đồng đều, khi nhiều nước có tỷ lệ tiêm phòng lên tới 60% thì có nhiều nước tỷ lệ tiêm phòng đạt chưa đầy 1%, báo cáo cho rằng thiệt hại kinh tế hoàn toàn có thể tập trung ở những nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Bên cạnh đó, dù ngành du lịch được dự báo phục hồi nhanh hơn tại các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, trong đó có Mỹ, UNWTO vẫn cho rằng du lịch quốc tế khó có thể phục hồi như mức trước đại dịch cho đến năm 2023.
PB (Tổng hợp)