Chủ động ứng phó với thiên tai trong năm 2021

Tỉnh ta có điều kiện khí hậu khô nóng, thường xảy ra hạn hán vào mùa khô. Bên cạnh đó, các địa phương miền núi có địa hình dốc, các sông, suối, hồ chứa, thường xuyên phải đối mặt với mưa, lũ, lốc xoáy; nhất là những năm gần đây, thời tiết diễn biến cực đoan, bất thường gây ra những thiệt hại không nhỏ. Ðể giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, tỉnh có nhiều giải pháp, chuẩn bị phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai với tinh thần chủ động.

Mới bước vào mùa mưa lũ năm nay, thời tiết tại tỉnh ta đã có những diễn biến bất thường. Chiều 2-6, mưa lớn kèm lốc xoáy đã xuất hiện gây thiệt hại về công trình nhà ở và cây trồng trên địa bàn xã Phước Bình (Bác Ái), làm 7 hộ dân ở thôn Bạc Rây 2 bị tốc mái; hơn 158 cây ăn trái như sầu riêng, bưởi của 8 hộ dân cũng bị ngã đổ hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã phải huy động các lực lượng kịp thời hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống cho người dân địa phương.

Dự án Hồ chứa nước Sông Than đang trong giai đoạn thi công.

Nhìn lại trong năm 2020 tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến khá phức tạp. Trong các tháng mùa khô, xảy ra nắng nóng gay gắt, hạn hán trên diện rộng. Các tháng mùa mưa, có nhiều đợt mưa lớn, làm ngập lụt nhiều khu vực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hư hỏng tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Nắng hạn kéo dài đã làm khoảng 326,42 ha cây trồng bị thiệt hại, 25 con gia súc bị chết. Mưa lũ, đã làm 5 người chết, 143 ngôi nhà bị sập, sạt vách, hư hỏng, tốc mái; hơn 1.402 ha cây trồng bị thiệt hại; trên 2 ngàn con gia súc, gia cầm bị chết và lũ cuốn trôi. Ngoài ra, các công trình thủy lợi, giao thông và các công trình khác bị hư hỏng nặng. Ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2020 khoảng 130,75 tỷ đồng.

Nhằm chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 7-2-2020 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong triển khai các giải pháp phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu: “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi” và nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời triển khai các biện pháp, giải pháp ứng phó, phòng, chống thiên tai. Theo đó, chủ động phương án khi có bão, lũ, áp thấp nhiệt đới, thiên tai xảy ra, các sở, ngành và địa phương chủ động triển khai thực hiện công tác phòng chống; tổ chức kiểm tra các hồ đập, các vùng trọng yếu, có nguy cơ mất an toàn, có phương án tổ chức sơ tán dân ở những vùng sung yếu.

Nhằm chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, mưa lũ năm 2021, tỉnh đã chủ động đề ra phương án phòng, chống, khắc phục kịp thời để giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại. Trong đó, các giải pháp trọng tâm để ứng phó với tình hình hạn hán, đó là Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và đơn vị có liên quan hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân; tập trung ưu tiên về nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc tại các thôn, xã không có nguồn nước. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận phối hợp chặt chẽ với các địa phương duy trì thực hiện phương án điều tiết nước tưới cho sản xuất theo hướng tiết kiệm, hợp lý; chủ động điều tiết tưới luân phiên, tiết kiệm. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn tiết kiệm nước tưới, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm để giải quyết thu nhập và tận dụng phụ phẩm chế biến, dự trữ dùng làm thức ăn gia súc trong điều kiện hạn hán.

Đối với tình hình mưa lũ năm 2021 sắp đến, theo dự báo năm nay lượng mưa ở hầu hết các khu vực sẽ bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, để chủ động ứng phó với lũ lớn có thể xảy ra, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức thi công các công trình trọng điểm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng thời gian vượt lũ, đồng thời hoàn thành việc khắc phục hậu quả thiên tai năm trước; thường xuyên kiểm tra các công trình, hồ đập, các vùng xung yếu. Đề xuất các giải pháp gia cố, sửa chữa bảo đảm công trình hoạt động tốt trong mọi tình huống. Khi có bão, lũ xảy ra sẽ huy động các lực lượng, phương tiện của đơn vị đã được phân công đảm nhiệm từng địa bàn phụ trách. UBND các cấp, các ngành tổ chức chỉ huy kịp thời, thông suốt đồng bộ công tác ứng phó với thiên tai, điều động lực lượng, phương tiện, vật tư, cứu nạn, cứu hộ, di dời người và tài sản nhằm giảm thiểu sự thiệt hại do thiên tai gây ra. Các lực lượng vũ trang chuẩn bị lực lượng, phương tiện, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ PCTT&TKCN khi có lệnh điều động.

Để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN trong năm 2021 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ để thực hiện kịp thời, khẩn trương các hạng mục công trình, dự án nhằm phòng, chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân. Tiêu biểu như các công trình xây dựng Hệ thống đường ống cấp nước từ hồ Sông Than về hồ Lanh Ra và khu vực phía Nam của tỉnh; Dự án kết nối liên thông hồ Tân Giang về hồ Sông Biêu; xây dựng đê biển khu vực Nhơn Hải đoạn còn lại; cải tạo nâng cấp các hệ thống tiêu ở lưu vực các Sông Lu và Sông Quao…

Với những giải pháp toàn diện mang tính căn cơ lâu dài, công tác ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng hiệu quả và bền vững.