* Giá vàng sáng 1/7 giao dịch sát mốc 57 triệu đồng/lượng
Sáng 1/7, giá vàng trong nước niêm yết tại các công ty vàng bạc đá quý tăng giảm trái chiều, giao dịch sát mốc 57 triệu đồng/lượng.
Lúc 8 giờ 44 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,25 - 56,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, so với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết ở mức 56,45 - 56,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC giữ nguyên so với cuối phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,3 - 56,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trước đó trong phiên giao dịch 30/6, giá vàng thế giới đi lên. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.768,78 USD/ounce, còn giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,5% đóng cửa ở mức 1.771,60 USD/ounce.
* Tỷ giá trung tâm tăng 5 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 1/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.182 VND/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.877 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.468 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng USD khá ổn định, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng nhẹ.
Lúc 8 giờ 20 phút, tại Vietcombank, giá USD không đổi so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 22.890 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra).
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 22.920 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV được điều chỉnh ở mức 3.515 - 3.618 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 4 đồng ở chiều mua vào và 5 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
* 6 tháng, xuất khẩu TP Hồ Chí Minh tăng hơn 5%
Theo số liệu của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu tăng 26%. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh nhập siêu 4,53 tỷ USD.
Do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 (bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 và bùng phát mạnh từ cuối tháng 5/2021), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước trong tháng 6/2021 giảm tới 29,7% so với tháng 5/2021 và chỉ đạt gần 2,73 tỷ USD. Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 2,65 tỷ USD, giảm 28,3% so với tháng trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 21,9 tỷ USD tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2020.
Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 21,1 tỷ USD, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông sản đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 2,6% và chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng lâm sản có giá trị xuất khẩu đạt 366 triệu USD, tăng 40,1% so cùng kỳ. Xuất khẩu thủy hải sản đạt 368 triệu USD, giảm 25,7% so cùng kỳ.
Giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt gần 13,4 tỷ USD, giảm 6,8% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 68,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung nửa đầu năm 2021, thành phố có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,7 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; kế đến là nhóm hàng hoá khác đạt 3,6 tỷ USD, tăng 154,2%; thứ 3 là hàng dệt may đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 8,1%, giảm 23,5%...Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của các doanh nghiệp thành phố với kim ngạch đạt gần 4,6 tỷ USD, chiếm 22,6% tỷ trọng xuất khẩu, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 3,25 tỷ USD, chiếm 16%, tăng 0,3%; Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 5,4%, giảm 25,4%.
Về nhập khẩu, trong tháng 6/2021, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4,63 tỷ USD, giảm 13,1% so với tháng 5/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 30,12 tỷ USD, tăng 26% so cùng kỳ năm trước.
Xét về nhóm doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của thành phố nửa đầu năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu tăng 6,2% và nhập khẩu tăng 12,2% so cùng kỳ.
* Vietnam Airlines và Pacific Airlines áp dụng bộ điều kiện nhóm giá mới
Từ ngày 1/7, Vietnam Airlines và Pacific Airlines chính thức triển khai bộ điều kiện nhóm giá hành khách mới (BFM - Branded Fare Matrix) với các thay đổi liên quan đến quyền lợi vé hạng phổ thông.
Cụ thể, vé khoang phổ thông của Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ có 4 nhóm giá: siêu tiết kiệm, tiết kiệm, tiêu chuẩn và linh hoạt. Mỗi nhóm giá có mức giá khác nhau, quyền lợi khác nhau, phù hợp với nhu cầu của hành khách.
Đặc biệt, hành khách Vietnam Airlines mua vé phổ thông linh hoạt sẽ có thêm các quyền lợi giúp việc làm thủ tục ở sân bay tiện lợi hơn, gồm: quầy check-in ưu tiên, hành lý được gắn thẻ ưu tiên và ưu tiên lên tàu bay
Ở một cập nhật đáng chú ý khác, cả hai hãng mở rộng áp dụng giá vé không hành lý ký gửi trên các đường bay giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vân Đồn, Cam Ranh, Vinh, Hải Phòng, Chu Lai; trong đó, áp dụng tại ba sân bay mới Vinh, Hải Phòng, Chu Lai. Mức giá chỉ từ 624.000 đồng/chiều, đã gồm thuế, phí, đặc biệt phù hợp với khách đi ngắn ngày, không cần mang theo nhiều hành lý.
Khách hành lưu ý ở lần thay đổi này sẽ bổ sung việc thu phí khi khách bỏ chỗ (no-show) 500.000 đồng/chặng, đối với các vé thưởng cho khách hội viên Bông Sen Vàng, vé xúc tiến thương mại, vé thưởng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (CA). Để tránh mất khoản phí này, khách hàng chú ý thông báo Vietnam Airlines và Pacific Airlines hủy đặt chỗ nếu không còn nhu cầu bay, muộn nhất 3 tiếng trước giờ khởi hành.
* EVN và Vietcombank ký kết hợp tác toàn diện và tài trợ cho nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện và hợp đồng tín dụng tài trợ dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Tổng mức đầu tư của dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 là 41.130 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của EVN (30%) và vốn vay thương mại trong nước (70%) do Vietcombank tài trợ. Vietcombank tài trợ với khoản tín dụng có giá trị 27.100 tỷ đồng và sẽ được giải ngân trong khoảng thời gian 4 năm theo tiến độ dự án và có thời hạn vay vốn 15 năm. Theo kế hoạch, dự án khởi công trong quý III/2021 và hoàn thành công trình vào năm 2025.
Dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch là công trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh); Văn bản số 1828/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2016 về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao làm chủ đầu tư dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
PB (Tổng hợp)