Khảo sát thực địa công trình đường đôi phía Nam vào Tp. Phan Rang-Tháp Chàm

Ngày 15-6, Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh do đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực địa và làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh về triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình đường đôi vào Tp. Phan Rang-Tháp Chàm (đoạn phía Nam). Cùng đi có đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường đôi vào Tp. Phan Rang-Tháp Chàm (đoạn phía Nam) thuộc danh mục công trình trọng điểm năm 2021, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp làm chủ đầu tư với tổng chiều dài tuyến 2,545 km (điểm đầu tại cầu Đạo Long 1 và điểm cuối tại Ngã ba Long Bình); cùng với đó, đầu tư hạng mục khu tái định cư 4,22 ha với khoảng 180 lô đất giải quyết tái định cư cho người dân. Dự án có tổng mức đầu tư trên 305,8 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã đi khảo sát thực địa
tại Dự án đầu tư xây dựng công trình đường đôi vào Tp. Phan Rang-Tháp Chàm (đoạn phía Nam)

Được khởi công từ tháng 1-2021, đến nay các gói thầu xây lắp đã đồng loạt triển khai với quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2021. Về công tác giải phóng mặt bằng, dự án thu hồi khoảng 136.386m2 đất của 510 hộ dân, thuộc địa bàn xã An Hải (Ninh Phước) và phường Đạo Long (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Đến nay, đã có 343 hộ dân nhận tiền bồi thường, 100 hộ vừa kết thúc niêm yết công khai phương án bồi thường, còn 67 hộ đang thẩm định nguồn gốc đất và áp giá bồi thường. Dự án đã giải ngân được 137 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76% nguồn vốn đã được bố trí năm 2021.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của các ngành, địa phương và chủ đầu tư trong thực hiện dự án; nhất là tinh thần quyết liệt, khẩn trương trong giải phóng mặt bằng. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác vận động để giải phóng mặt bằng đối với những hộ còn vướng; có phương án vận động cụ thể đối với từng trường hợp. Chủ đầu tư cần tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương triển khai thi công các hạng mục đã được giải phóng mặt bằng; tiến hành kiểm tra, giám sát đảm bảo các điều kiện an toàn trong thi công, nhất là an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và hạn chế tác động ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Chủ đầu tư cũng cần phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đảm bảo di dời kịp thời các công trình hạ tầng; rà soát, đôn đốc thực hiện các thủ tục thanh toán, giải ngân vốn; tăng cường giám sát thi công đảm bảo sự đồng bộ, chất lượng và hiệu quả sử dụng của công trình. Các vấn đề vướng mắc phát sinh, cần đảm bảo hồ sơ chặt chẽ để kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật.