Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2021 là năm đầu thực hiện vốn đầu tư công trung, dài hạn, nhưng việc giải ngân của các địa phương trong cả nước gặp nhiều khó khăn, thấp hơn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 5-2021, vốn đã giải ngân hơn 1.100 tỷ đồng, bằng 1,73% dự toán. Mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% và có tới 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0%. Riêng tỉnh ta đã giải ngân các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt tỷ lệ 14% (tương đương 56,2 tỷ đồng), xếp thứ hạng khá của cả nước về giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Lãnh đạo các địa phương đã có ý kiến về những khó khăn, hạn chế, đưa ra các kiến nghị, đề xuất và giải pháp nhằm thực hiện đạt kết quả cao trong việc giải ngân vốn đầu tư công vay nước ngoài. Trên cơ sở ý kiến phát biểu, lãnh đạo Bộ Tài chính đã có ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể của từng địa phương.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá trong 5 tháng đầu năm 2021 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài rất thấp. Việc chậm trễ có thể do các nguyên nhân khách quan do dịch COVID-19, nhưng giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án. Đồng thời, đề nghị các địa phương cần rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ các dự án; ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai, thực hiện trên địa bàn; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án.
Hồng Nguyệt