Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã làm tốt vai trò đầu mối, thu hút và kết nối doanh nghiệp liên kết với các địa phương đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNC trong sản xuất. Đến cuối năm 2020, có 15 dự án nông nghiệp CNC đi vào hoạt động, quy mô khoảng 250 ha, với nhiều loại hình CNC được hình thành như: Quy trình công nghệ tưới tiết kiệm, sản xuất an toàn VietGAP, công nghệ nhà lưới, nhà màng, công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm… tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản tiềm năng từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học-kỹ thuật tiên tiến; quy mô, năng suất, sản lượng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị; một số sản phẩm đặc thù của tỉnh đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng CNC đạt trung bình khoảng 600 triệu đồng/ha; giá trị gia tăng ngành nông-lâm-thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,3%/năm.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở NN&PTNT về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận nỗ lực thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Sở NN&PTNT, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất trong 5 năm qua có bước chuyển biến rõ nét; đồng thời, nhấn mạnh: Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp được xem là khâu then chốt, tạo bước đột phá trong tiến trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân; đồng chí đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và đặc biệt là Nhân dân nắm bắt về mục đích, ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Tập trung rà soát, quy hoạch cụ thể vùng nông nghiệp CNC gắn với xác định rõ từng cây trồng, vật nuôi đưa vào sản xuất CNC; trên cơ sở đó, vận dụng linh hoạt các nguồn vốn, triển khai chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân cùng tham gia sản xuất, hướng tới mục tiêu số hóa tự động trong hoạt động nông nghiệp; tăng cường hợp tác với các viện nghiện cứu, trường đại học đẩy mạnh nghiên cứu các đối tượng giống mới, quy trình công nghệ phòng trừ dịch bệnh; tổ chức nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả; xây dựng thương hiệu các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế của tỉnh…
Hồng Lâm