Bảo đảm bình ổn giá và nguồn cung hàng hóa trên thị trường

Thời gian qua, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường tăng gây áp lực cho người tiêu dùng. Nhiều đơn vị kinh doanh, phân phối tiếp tục triển khai các giải pháp bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung dồi dào.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại một số chợ và siêu thị trên địa bàn tỉnh, do diễn biến tình hình dịch COVID-19 gây “tắc” nguồn cung nguyên liệu đầu vào khiến một số mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, sữa, dầu ăn tăng giá. Chị Nguyễn Thị Thúy Vân, Cửa hàng trưởng Cửa hàng lương thực số 12 thuộc Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ cho biết: Lũy kế trong hơn 1 năm từ khi dịch COVID-19 bùng phát giá các loại mì, bún, phở khô tăng khoảng 5%, dầu ăn tăng 10.000 đồng/can 5 lít đối với loại thông thường, đường cát tăng 3.500 đồng/kg. Riêng tháng 5-2021, ghi nhận mức tăng cao nhất của nhóm mặt hàng sữa với khoảng 10%.

Trong khi giá gạo được bình ổn ở mức 16.000 đồng/kg trong vòng hơn 1 năm qua, thì hiện nay tại hầu hết cửa hàng kinh doanh gạo trên địa bàn tỉnh một số loại gạo tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg, kéo theo giá bún, phở tươi tăng thêm 2.000 đồng/kg.

Hàng hoá thiết yếu tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà luôn sẵn sàng phục vụ người dân.

Đối với thực phẩm, giá các loại rau, củ, quả và hải sản ổn định. Giá gà thả vườn đang tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg vì thiếu hụt nguồn cung sau khoảng thời gian người chăn nuôi bỏ chuồng. Giá thịt heo vẫn cao ở mức 130.000-160.000 đồng/kg, bằng với thời điểm giá heo hơi ở mức 80.000 đồng/kg, trong khi hiện nay, giá heo hơi chỉ còn 68.000 đồng/kg.

Trong điều kiện thu nhập của đa số người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, việc một số mặt hàng thiết yếu tăng giá khiến người tiêu dùng lo lắng. Chị Nguyễn Thị Thu ở phường Mỹ Hải, nói: Mỗi thứ nhích một chút nhưng nếu tính tổng thì sẽ rất cao. Trong khi đó, ngoài tiêu dùng thiết yếu, dịch bệnh làm chúng tôi phát sinh thêm một số chi phí về chăm sóc y tế, sức khỏe, do đó chi tiêu các khoản đều phải cân nhắc kỹ.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, đến thời điểm tháng 5, tính chung chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm mặt hàng lương thực tăng mạnh nhất với 17,3%; tiếp đến là đồ uống và thuốc lá tăng 3,2%, chi phí cho các dịch vụ giáo dục tăng 7,23%, các hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,8%.

Nhằm chia sẻ áp lực với người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh, phân phối lớn triển khai thực hiện chính sách luân phiên giảm giá từ 10-40% với hàng ngàn sản phẩm thuộc hầu hết các các nhóm mặt hàng thiết yếu. Một số siêu thị như Co.opmart Thanh Hà, Vincom triển khai thêm một số chương trình giảm giá, khuyến mãi theo ngày hoặc khung giờ cụ thể; khuyến mãi, giảm giá cho từng nhóm đối tượng khách hàng. Qua đó, giúp khách hàng có kế hoạch mua sắm hiệu quả và tiết kiệm.

Báo cáo của Sở Công Thương, mặc dù có những biến động về giá trong thời gian qua, tuy nhiên xét toàn diện, giá cả các mặt hàng cơ bản vẫn ổn định, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Điều dễ thấy là, đợt dịch thứ 4 tại nước ta tuy đang diễn biến phức tạp nhưng nhờ chủ động thích ứng nên lần này trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng người tiêu dùng đổ xô đi mua hàng tích trữ, không gây xáo trộn thị trường. Trong vòng 6 tháng tới, cơ bản nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Trong tháng 5, Phòng Thương mại (Sở Công Thương) tiếp nhận hơn 1.024 hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình giảm giá, khuyến mãi từ các đơn vị kinh doanh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường, mới đây, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện, nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả và đúng quy định các nhiệm vụ điều hành giá năm 2021; tăng cường công tác quản lý giá và thông tin giá cả thị trường tại địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá phù hợp với nguyên tắc thị trường nhằm thực hiện mục tiêu “kép” vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống của người dân.